Ma túy núp bóng quà bánh cổng trường, không chỉ là nguy cơ

Xung quanh thông tin kẹo cổng trường có chứa chất ma túy, mặc dù cơ quan chức năng bước đầu khẳng định thông tin chưa được kiểm chứng, song nhiều địa phương trước đó đã chủ động vào cuộc rà soát, do xuất hiện các trường hợp có biểu hiện ngộ độc do ăn quà vặt cổng trường.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, tội phạm đang tìm nhiều cách đưa ma túy vào trường học, đó không còn là nguy cơ.

Điều này đang tác động không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần của trẻ em và gây lo ngại cho toàn xã hội.

 

Từ hôm qua tới nay, chị Thu Trang ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn chưa hết lo lắng trước thông tin 11 học sinh trung học cơ sở trên địa bàn quận có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn “kẹo lạ”:

"Trường cũng có quy định cấm ăn bánh kẹo cổng trường, như tôi là phụ huynh cũng cấm nhưng mình không kiểm soát được hết. Với cái sự việc như này, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp quản lý hiệu quả hơn để cho phụ huynh yên tâm là việc này không lặp lại".

Thực tế thời gian qua, các loại ma túy luôn thay hình đổi hình dạng tìm cơ hội để để xâm nhập vào khu vực cổng trường, tiếp cận đối tượng các em học sinh còn thiếu kiến thức xã hội.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, các loại ma túy nếu có trong thực phẩm có thể gây ra ngộ độc, thậm chí gây tử vong, gây kích thích thần kinh gây ảo giác ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch:

"Nếu thực phẩm có ma túy thì là âm mưu các đối tượng muốn gây độc hại cho trẻ em, cái này cần điều tra cụ thể, chứ không dừng lại ở việc thông tin. Ngộ độc do ma túy và ngộ độc thực phẩm là 2 loại ngộ độc khác nhau, ma túy chỉ cần rất ít thôi cũng có khiến trẻ em ngộ độc".

Các loại ma túy nếu có trong thực phẩm có thể gây ra ngộ độc, thậm chí gây tử vong, gây kích thích thần kinh gây ảo giác ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. 

Lực lượng chức năng khẳng định, việc xuất hiện một số dạng ma túy mới, núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên không phải là hiện tượng mới mà đã xuất hiện nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên gần đây có diễn biến phức tạp hơn ở nhiều tỉnh, thành phố.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã liên tiếp phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán ma túy núp bóng thực phẩm.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, mẫu mã của các loại ma túy núp bóng này có đặc điểm là bắt mắt, mùi vị rất quyến rũ giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở:

"Các loại ma túy núp bóng đồ uống được các đối tượng tội phạm hướng tới để tiêu thụ là các em học sinh, sinh viên. Các cháu cứ nghĩ rằng sử dụng những cái này không gây nghiện, không bị sao nhưng không có loại ma túy nào là không gây nghiện cả, chỉ có nghiện trước hay nghiện sau thôi bởi đã là ma túy thì là chất gây nghiện".

Cũng theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma, các loại ma túy núp bóng này tồn tại dưới hai dạng, thứ nhất gồm các loại hàng hóa như bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm… có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới.

Loại thứ hai là ma túy do tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử…

Các bậc phụ huynh và nhà trường cũng nên tăng cường nhắc nhở, trang bị cho các em khả năng nhận biết nguy cơ tiềm ẩn từ các loại kẹo không rõ nguồn gốc được bán tại cổng trường. 

TS. Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Khoa cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá, hiện nay các chất cấm, ma túy núp bóng dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, kẹo lười, tem lưỡi và thậm chí tẩm cả vào bánh kẹo, trà sữa, đồ ăn không rõ nguồn gốc… ở những hàng quán gần trường học khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Trong khi rất nguy hiểm là các đối tượng buôn bán sản phẩm này đánh trúng được tâm lý, thị hiếu của lứa tuổi học sinh:

"Các em học sinh thì tâm lý chưa phát triển toàn diện nên đánh vào nhu cầu thị giác và cảm giác mới mẻ thì các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất quan tâm đến khơi gợi những cảm giác, mong muốn trải nghiệm cho các em học sinh từ 12-16 tuổi là nhóm mà các đối tượng phạm tội muốn tác động đến. Lực lượng chức năng và cơ quan điều tra đang vào cuộc để kiểm tra, xác nh các thông tin lan truyền về các vụ việc gần đây", Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh cho biết.

Nhiều học sinh bị dụ dỗ sử dụng chất cấm, thực phẩm tại khu vực cổng trường có nguy cơ mất an toàn cho thấy tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, biến tướng với nhiều hình thức, đòi hỏi cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm nhóm tội phạm này; thường xuyên kiểm tra các hàng quán xung quanh trường học để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những thực phẩm có nguy cơ gây hại tới trẻ em.

Mặt khác, các bậc phụ huynh và nhà trường cũng nên tăng cường nhắc nhở, trang bị cho các em khả năng nhận biết nguy cơ tiềm ẩn từ các loại kẹo không rõ nguồn gốc được bán tại cổng trường.