Lời nhắc và tự trọng

Một lời nhắc nhở người đi bên cạnh về chân chống xe chưa gạt, xi nhan chưa tắt hay đèn pha vẫn bật. Đó là phản xạ của khá nhiều người khi tham gia giao thông. Với họ, đó là một việc tốt và có ích.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Tuy nhiên, vẫn là lời nhắc đầy thiện tâm đó, bạn sẽ phải cẩn thận hơn nếu dành cho một người quên hoặc cố tình không đeo khẩu trang.

Vừa qua, tại một chung cư ở TP.HCM, một nhóm bảo vệ thực hiện đúng quy định phòng dịch, nhắc nhở và ngăn một phụ nữ không đeo khẩu trang đang cố gắng bấm thang máy. Người này từ chối hợp tác, cự cãi và giơ dép đánh bảo vệ.

Ảnh nh họa

Câu chuyện tương tự trước đó cũng ở TP.HCM: một phụ nữ nằm trong ban quản trị chung cư bị túm tóc, xịt cồn vào mặt sau khi lên tiếng nhắc nhở người đàn ông cùng đi thang máy không đeo khẩu trang. Hay mới đây nhất, một người đàn ông ở Nam Định bị tạm giữ hình sự sau khi tấn công một trung úy công an chỉ vì bị nhắc đeo khẩu trang.

Những người này lẽ ra phải gửi lời xin lỗi tới người nhắc nhở. Và nếu có lòng tự trọng, họ phải biết hổ thẹn vì làm phiền lòng những người xung quanh, trở thành một mối nguy cơ phát tán dịch bệnh cho cộng đồng.

Có lẽ, việc tồn tại những thành phần thiếu tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, quy tắc xã hội như vậy phần nào khiến những hành động nghĩa hiệp, đấu tranh với sự xấu xa ngày một khan hiếm. Bởi chẳng ai muốn rơi vào cảnh “làm ơn mắc oán”.

Nhìn sang một số quốc gia ở khu vực Nam Á, sẽ thấy hình ảnh trái ngược. Lực lượng chấp pháp dùng các hình thức rất “truyền thống” như đòn roi, phạt hít đất, đứng lên ngồi xuống để nghiêm trị những người vi phạm lệnh giới nghiêm, không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tụ tập nhóm đông người.

Đôi khi, một lời nhắc nhỏ nhẹ cũng đủ thấm thía. Nhưng sẽ có lúc, cần kỷ luật thép, “đòn roi” để uốn nắn lòng tự trọng, sự tự giác, đặc biệt trong mùa dịch bệnh phức tạp như hiện nay.