Liên tiếp xảy ra sự cố máy bay, ngành hàng không có đang khủng hoàng?

Thời gian qua, trên thế giới liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng không gây thiệt hại nghiêm trọng về người, như tai nạn máy bay B737-800 của hãng hàng không Jeju Air làm chết 179 người trên máy bay tại Hàn Quốc; tai nạn máy bay E190 của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines làm chết 38 người…

Phải chăng hàng không thế giới đang khủng hoảng? Việt Nam cần rà soát, nâng cao an toàn hàng không ra sao, nhất là dịp cao điểm Tết Ất Tỵ đã cận kề?

PV VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về nội dung này:

PV: Thưa ông, ông có suy nghĩ thế nào khi hàng không thế giới xảy ra hàng  loạt sự cố, tai nạn máy bay?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Thật sự, hàng không là an toàn nhất và càng ngày người ta càng tăng độ an toàn đó lên, một khi có bị tai nạn gì về hàng không thường thường nó xảy ra do 3-4 sai lầm chồng lên nhau. Những sự cố vừa qua, đặc biệt ở Hàn Quốc, nó có nhiều sai lầm trầm trọng trong đó, kể cả có nhiều người nêu rằng nó có biện pháp để bung càng ra bằng tay, dùng dây kéo, vậy mà phi công không sử dụng. Không biết là lý do gì. Người ta vẫn chờ xem hộp đen để tìm ra lý do chính xác.

Cho nên bất kể có những tai nạn hàng không như vậy, nhưng hàng không vẫn là an toàn. Đặc biệt là người ta biện hộ rằng là do va vào chim khiến hệ thống trợ lực bị trục trặc, nhưng bị đáp bằng bụng thì cũng rất nhiều trường hợp đáp bằng bụng rồi. Nếu có sự cố như vậy mà đối phó hợp lý thì không đến nỗi nhiều người chết như vậy.

Liên quan tới thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc, người đứng đầu hãng hàng không Jeju Air là ông Kim E-bae đã bị cấm xuất cảnh để phục vụ việc điều tra. Ảnh: AP

PV: Vậy việc liên tiếp xảy ra những sự cố hàng không xảy ra như vậy có nên được coi là khủng hoàng của ngành hàng không hay không?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Không có gì là khủng hoàng hàng không hết. Phải nói là bao nhiêu máy bay, bao nhiêu chuyến bay, bao nhiêu sân bay người ta hoạt động an toàn. Còn chuyện bên Hàn Quốc thì một số trục trặc, nhưng đã không sử dụng phương tiện để hãm máy bay lại. Bánh không có để thắng bằng bánh, rất nhiều sự cố liên quan đến điều khiển máy bay.

Người ta vẫn nghi vấn rằng, liệu phi công có bị kém chất lượng không, vì chuyện không sử dụng phương tiện để bung càng ra. Dựa vào chuyện không bung càng ra được, trong khi có phương tiện bằng tay, kéo dây thôi, là nó mở những cánh cửa ra và trọng lượng các càng tự nó bung ra… là không thấy.

Rồi nữa, khi đáp xuống nó cũng hơi xa, đáng ra đáp xuống đầu đường băng thì có đường dài hơn để nso trượt. Đó là nói về máy bay, về phi công, còn sân bay thì không chuẩn bị những phương tiện để cứu hộ. Những đồ chống cháy trên đường băng, xe chữa cháy đến rất muộn… Cho nên không phải có gì mà khủng hoảng hàng không hết đâu.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Azerbaijan Airlines. Ảnh: Reuters

PV: Từ những sự cố liên tiếp xảy ra với hàng không thế giới thì ngành hàng không Việt Nam cần rà soát vấn đề an toàn như thế nào, nhất là dịp cao điểm Tết đã cận kề?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Họ làm nhiều lắm đấy chứ. Thường bên an toàn hàng không họ làm bài bản lắm, từ chuyện kiểm tra, sửa chữa máy bay, đến chất lượng phi công, rồi chất lượng điều khiển không lưu, các điều kiện ở sân bay… để đối phó với những trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy mà không vấn đề gì. Tôi nghĩ với những kinh nghiệm đó thì mình cần chuẩn bị nhiều hơn trong vấn đề biện pháp chữa cháy khi máy bay xuống, có trục trặc gì thì giải quyết chuyện đó, vì tai nạn máy bay do va chạm, do vấn đề về cơ khí, do vật lý thì ít, mà do vấn đề về nhiệt, do cháy là nguy hiểm nhất. và khi trục trặc gì, khi đáp xuống thì người ta phải cho người rời khỏi máy bay càng nhanh càng tốt và có phương tiện phòng cháy chữa cháy đến đó. Tôi nghĩ cái đó thì bên hàng không mình chuẩn bị tốt.

Cái phần mà tôi nghĩ rằng cần phải chú ý nhất là phi công, tại vì phi công trên thế giới nó khan hiếm, số lượng máy bay tăng lên, mà tuyển phi công không có nhiều và mình cũng có những giai đoạn thiếu phi công, các hãng máy bay giành giật, lôi kéo phi công của nhau… cho nên mình phải tổ chức đào tạo phi công nhiều lên và nâng cao chất lượng lên, để có tuyển dụng phi công nước ngoài hay phi công trong nước thì cũng bảo đảm chất lượng rất tốt mới được.

PV: Xin cảm ơn ông!