Lan tỏa tình yêu địa lý nước nhà sau mỗi chuyến đi

Quyết định bỏ nghề biên tập viên truyền hình để chuyển hẳn sang sáng tạo nội dung số trên internet, Nguyễn Quốc Dương, chàng trai trẻ người Kiên Giang, đã tự tạo cho mình một lối đi riêng và đầy thách thức: Phổ biến kiến thức địa lý vùng miền thông qua nội dung giáo dục kết hợp giải trí.

Mỗi chuyến đi tới những vùng đất mới, đặc biệt là biên giới, hải đảo đã giúp Dương cùng công chúng của anh khám phá nhiều kiến thức thú vị và bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, địa lý và con người Việt Nam.

Nguyễn Quốc Dương, chàng trai lan tỏa tình yêu địa lý nước nhà bằng cách kết hợp nội dung giải trí và giáo dục (Ảnh NVCC)

Tự nhận là người không học giỏi địa lý, nhưng Nguyễn Quốc Dương luôn tò mò về địa lý vùng ền đất nước và thế giới. Có điều kiện đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người thú vị, đồng thời được tiếp cận các cuốn sách lịch sử, phim tài liệu của các bậc tiền bối, Dương muốn lan tỏa câu chuyện địa phương theo cách vừa hấp dẫn, trực quan, vừa có tính chiều sâu thông tin.

Nhận thấy việc sử dụng hình ảnh để phổ cập kiến thức có lợi thế lớn so với cách làm truyền thống, lại tiếp cận với lớp công chúng rộng rãi hơn, Dương đã ra đời Kênh youtube Dương Địa Lý. Đến nay, kênh này có hơn 430 nghìn người đăng ký, trên 65 triệu lượt xem:

“Mình rất thích các nội dung như phim tài liệu, ký sự, câu chuyện mà các anh chị truyền hình-phát thanh đi trước đã làm. Mình xem đi xem lại những vùng đất, khi đến địa phương đó, ký ức mình lật lại thì mình thấy hay quá, nên mình quyết định làm video. Và thứ hai, dù chưa chắc có nhiều trải nghiệm hơn người khác, nhưng mình quan sát cuộc sống nhiều”.

Rất ấn tượng với những video độc đáo như “Sự thật đằng sau địa danh bị viết sai nhiều nhất Việt Nam”; “Đà Lạt – Những vấn đề địa lý”; “Sông Cửu Long hiện nay còn bao nhiêu cửa”?; Hà Tiên – Vùng đất từng kéo dài tới Thái Lan giờ ra sao?; “Lịch sử bùng binh”; “Sự điên rồ của múi giờ”… anh Bùi Trọng Sơn, một khán giả của kênh Dương Địa Lý đánh giá: “Nội dung, hình ảnh, đồ họa trên kênh này rất đẹp và chuyên nghiệp. Đặc biệt, bạn ấy làm nội dung rất hấp dẫn, vừa có tiết tấu nhanh, dễ xem, vừa có nội dung hóm hỉnh, độc đáo và có chiều sâu. Thực sự tôi rất tò mò và muốn đi du lịch và thậm chí là quay trở lại các địa danh mà cậu ấy đề cập, như Đà Lạt hay khu vực biên giới Châu Đốc”.

Những nội dung hấp dẫn, độc đáo trên kênh Dương Địa Lý thu hút hơn 430 nghìn lượt theo dõi, 65 triệu lượt xem

Những video được Nguyễn Quốc Dương thực hiện khá công phu. Trung bình 7 ngày anh mới ra một tập mới, một tần suất ít hơn hẳn các kênh khác. Ngoài tự đi quay, thu thập, tổng hợp dữ liệu, anh còn nhận sự hỗ trợ nhiệt tình, cung cấp thêm video tại các tỉnh thành từ chính khán giả của mình.         

Kể về video gần nhất “Thổ Chu: Quần đảo thiêng liêng, xa xôi nhất về phía Tây Nam”, Dương cho rằng, những chuyến đi tới biên giới, hải đảo rất vất vả, đi tàu mất 7-8 tiếng đồng hồ mới tới, và điều kiện, thời gian rất hạn chế. Nhưng sau tất cả những thách thức ấy, luôn có những kỷ niệm thú vị được lưu lại, và cảm giác tự hào, hãnh diện về Tổ quốc.         

"Mình muốn tận mắt chứng kiến những dải đất của quê hương để tăng thêm tình yêu quê hương đất nước. Khi mình đi đến những vùng đất có bộ đội đóng quân, việc ghi hình rất khó khăn. Có người lúc đầu gặp, họ hỏi mục đích quay để làm gì. Mình có chia sẻ công việc, quay cho khán giả xem như thế này. Từ người lo ngại mình có thể ảnh hưởng vấn đề khác thì họ lại trở thành người ủng hộ, người bạn của mình”, Dương tâm sự.

Nguyễn Quốc Dương hào hứng kể lại lần đồng hành, thảo luận với những người có chung chí hướng, yêu địa lý trong chuyến đi tới thành phố biên giới Châu Đốc (tỉnh An Giang), nơi có phường Vĩnh Nguơn, địa danh được cho là bị đọc sai nhiều nhất Việt Nam: “Khi chia sẻ hành trình sắp tới trên mạng xã hội thì có nhiều bạn nhắn tin, sẽ gặp mình ở đâu đó để trò chuyện. Lúc đến Châu Đốc, rất bất ngờ các bạn đã chờ sẵn chia sẻ về các câu chuyện địa phương. Video về Vĩnh Nguơn, chúng mình đã ngồi thảo luận nhiều điều, liệu nó đúng hay sai, là địa danh văn hóa hay ngôn ngữ. Chúng mình đã đi tới tận từng bảng tên để xác định xem nó đúng hay sai”.

Theo Nguyễn Quốc Dương, ở mỗi nơi đi đến và khám phá, Dương luôn tìm được những người có cùng sở thích, tình yêu vùng ền quê hương, đất nước (Ảnh NVCC)

Sau nhiều năm ệt mài khám phá và lưu giữ kỷ niệm trên những vùng đất mới theo cách rất sáng tạo, Dương Địa Lý hiện đã sở hữu một lượng công chúng riêng, chủ yếu ở độ tuổi 18-30. Bên cạnh đó, có cả các bạn nhỏ là học sinh tiểu học, người lớn tuổi. Anh thường xuyên nhận được cuộc gọi, tin nhắn của khán giả hỏi về lộ trình, điểm đến, những lưu ý khi đi tới một vùng đất nào đó. Đây là nguồn động viên lớn với Dương tiếp tục hành trình đã chọn.

“Rất nhiều khán giả yêu thích ủng hộ. Thông qua đó, mình thấy rằng, đất nước Việt Nam mình còn nhiều điều tươi đẹp, nhiều vùng đất cần được khám phá. Qua đó, mình muốn đem lại cho mọi người một góc nhìn về đất nước, thôi thúc trong lòng quý khán giả sẽ đến và chinh phục vùng đất đó”, Dương nói.

Với Nguyễn Quốc Dương, đi và làm video không chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân. Mục tiêu của anh là đóng góp cho cộng đồng một góc tiếp cận vừa học thuật, vừa giải trí về địa lý nước nhà thông qua những chuyến đi, những câu chuyện địa phương thú vị, ít người biết đến: 

“Mình hy vọng, những sản phẩm ở trên mạng xã hội hiện nay, những chương trình học thuật mang tính giải trí sẽ trở thành xu hướng trong lĩnh vực giáo dục. Mình có niềm tin rằng, thời gian tới toán học, lịch sử, địa lý sẽ bước vào giai đoạn mới trực quan hơn, dễ tiếp thu hơn kể cả ở trên ghế nhà trường”.

 ---

Các bạn thân mến, nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.