Làm sao để học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt?

Được xem là đối tượng chính sử dụng xe buýt; thế nhưng, những năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên đi xe buýt lại có dấu hiệu sụt giảm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Học sinh, sinh viên được xem là đối tượng chính sử dụng phương tiện xe buýt công cộng

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc hỗ trợ phí đối với xe buýt tại thành phố đã được tiến hành trong nhiều năm nay trở lại đây. Học sinh, sinh viên cũng là một trong những đối tượng được ưu tiên trong việc sử dụng dịch vụ này.

 

 “Có thể nói, một trong những chính sách tạo điều kiện cho xe buýt thành công đó là chính sách trợ giá của thành phố. Nhờ chính sách trợ giá thì người dân được hưởng giá vé thấp hơn. Nhưng để có được mức trợ giá đó thì thành phố đang phải có mức hỗ trợ tương đối cao, tương đương 50% so với giá vé. Một loạt các đối tượng khác còn phải bù giá nhiều hơn như HSSV, người cao tuổi, thương binh… Những người được hưởng chính sách hỗ trợ với tỷ lệ rất cao thì mức bù giá rất lớn”.

Theo đó, học sinh, sinh viên hiện nay được hưởng giá vé xe buýt tháng (1 tháng và liên tuyến) lần lượt là 55.000 đồng và 100.000 đồng/tháng, chỉ bằng 50% so với giá vé thông thường, do vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc di chuyển. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho việc tiếp cận xe buýt thuận tiện hơn, tại nhiều khu vực các trường học, địa điểm công cộng cũng được bố trí các điểm dừng đỗ.

Khảo sát tại các điểm đón xe buýt trên trục đường Giải Phóng, nơi tập trung nhiều trường đại học, THPT như TPTH Thăng Long, Đại học Xây Dựng, Đại học Bách Khoa… cho thấy, phần lớn hành khách đi xe buýt đều là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi.

Em Trần Thị Huế, sinh viên năm nhất trường Đại học Bách Khoa, cho biết mặc dù chưa tìm được phòng trọ thế nhưng em xác định sẽ lựa chọn sẽ buýt là phương tiện đi lại chính.

 

“Em thấy xe buýt tiện cho tuyến đường đi học của em. Còn giá vé của xe buýt vừa với túi tiền của sinh viên”.

Đồng quan điểm với em Nguyễn Thị Huế, em Nguyễn Thu Phương, sinh viên trường Cao đẳng Y dược Hà Nội, cũng cho rằng ưu đãi về giá vé hiện nay dành cho đối tượng học sinh, sinh viên là rất hợp lý, giúp việc đi lại của em được thuận tiện. Với 100.000 đồng cho 1 tháng vé đi liên tuyến, em có thể vừa đến trường vừa đến chỗ làm thêm rất tiết kiệm.

Măc dù vậy, em Phương cũng cảm thấy một vài điểm chưa hài lòng về dịch vụ xe buýt như tuyến 21A, tuyến 19 xe cũ và đông. Bên cạnh đó, việc chờ đợi xe khá lâu, đôi khi còn gặp tắc đường khiến xe bị trễ giờ dẫn đến bị muộn học.

Để thuận tiện hơn nữa cho hành khách, em Phương đề xuất thêm:

 

“Với giá vé hiện nay em cảm thấy phù hợp với sinh viên nhưng giờ giấc đi của xe buýt, buổi tối xe buýt nghỉ hơi sớm, thường 9h tối là hết tuyến. Nhiều bạn muốn đi làm hay đi đâu về lúc 10, 11h thì hơi bất tiện một chút. Điểm chờ thì một số điểm không có mái che nên em mong muốn tất cả các điểm đều có mái che để hôm nắng, hôm mưa đỡ vất vả”.

Việc phải chờ đợi xe buýt quá lâu khiến học sinh, sinh viên kém mặn mà với xe buýt

Theo điều tra năm 2011 tại Hà Nội, số lượng học sinh, sinh viên đi xe buýt chiếm 57%, người đi làm chiếm 27%. Ðến năm 2016, số liệu của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho thấy, học sinh, sinh viên vẫn là đối tượng đi xe buýt nhiều nhất, nhưng giảm còn 37%.

Nguyên nhân được chỉ ra là sự xuất hiện của xe đạp điện, xe máy điện đã thu hút nhiều đối tượng học sinh, sinh viên chuyển sang lựa chọn các phương tiện này. Cùng với đó là sự phát triển nhanh, lực lượng hùng hậu, nhiều tiện ích, giá rẻ của taxi, xe ôm công nghệ khiến một phần không nhỏ học sinh, sinh viên trở nên kém mặn mà với phương tiện xe buýt.

Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng mặc dù Hà Nội đã có chính sách trợ giá để thu hút đối tượng học sinh, sinh viên thế nhưng về lâu dài, thời gian đi lại vẫn là yếu tố then chốt trong việc lựa chọn vận tải hành khách công cộng.

 

“Theo tôi, chính sách thì có rồi, tức là mình giảm giá và nhà nước trợ giá cho cả người dân và cho cả học sinh. Tuy nhiên, trợ giá không phải là chính sách chính, cái quan trọng nhất vẫn là phải đi đúng giờ, các nút giờ phải gần nhau hơn. Có những bến xe 5-10 phút/chuyến nhưng cũng có những bến xe 20-30 phút/chuyến vậy thì làm sao mà học sinh và người đi làm họ đi được”.

Trên thực tế, một trong những yếu tố khiến xe buýt kém hấp dẫn với người dân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm. Do áp lực giao thông tăng cao nên năm 2019 tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/giờ trong khi năm 2010, tốc độ này khoảng 23 km/h và mỗi năm có khoảng 180.000 lượt bỏ chuyến, quay đầu, hủy cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, tỷ lệ chậm chuyến của xe buýt từ 10 – 20 phút/lượt vẫn còn chiếm tới 50 – 60%/tổng số chuyến, dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài, khiến sự hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt.

Do vậy, theo các chuyên gia, xe buýt muốn tiếp tục thu hút được đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng thì cần phải đảm bảo thời gian đi lại bằng xe buýt có thể cạnh tranh một cách tương đối so với xe máy.

Chuyên giao giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng bên cạnh việc cần nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ xe buýt hiện nay, Hà Nội cũng cần đa dạng hóa các loại hình phương tiện công cộng, ngoài xe buýt, phải có metro, tàu điện ngầm để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.