Kiệt sức ngủ gật trong buồng lái và mặt trái của nghề phi công

Phải làm việc liên tục với mật độ bay dày đặc đang khiến nhiều phi công bị quá tải và kiệt sức...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

 

Hình ảnh cơ trưởng Weng Jiaqi ngủ gật trong buồng lái bị cơ phó ghi lại

Hãng hàng không lớn nhất Đài Loan, China Airlines cho biết, vừa phạt nặng một phi công sau khi đoạn clip ghi lại cảnh anh này ngủ gật trong lúc điều khiển máy bay được tung lên mạng. 

Đoạn video kéo dài khoảng 30 giây cho thấy, hình ảnh viên phi công ngủ gật với đầu cúi thấp và mắt nhắm nghiền trong buồng lái chiếc Boeing 747. Người này sau đó được xác định là Weng Jiaqi, phi công cao cấp với gần 20 năm kinh nghiệm, vừa được thăng chức lên cơ trưởng của China Airlines vào năm ngoái. 

Đài truyền hình địa phương SETN đưa tin, dù không rõ đoạn clip quay khi nào hoặc trên chuyến bay cụ thể nào, nhưng China Airlines xác nhận họ được báo cáo về trường hợp vi phạm của Jiaqi và đã đưa ra hình phạt thích đáng.

Ngoài ra, hãng cũng khiển trách phi cơ phó, người có mặt trong buồng lái nhưng không đánh thức cơ trưởng dậy mà chỉ dùng điện thoại quay clip để đăng lên mạng xã hội.

Theo nguyên tắc an toàn hàng không, việc phi công ngủ gật trong buồng lái lúc thực hiện chuyến bay là cực kỳ nguy hiểm và có thể gây hậu quả khôn lường. Trả lời phỏng vấn EBC News, một phi công giấu tên của China Airlines cho hay: “Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi sự mệt mỏi là không thể tránh khỏi. Nhưng với tư cách là phi công cao cấp anh ta phải làm gương cho người khác. Ngoài ra, nếu quá mệt mỏi bạn có thể nói với thành viên phi hành đoàn để họ kiểm tra tình trạng của bạn khi cần”.

 

Theo EBC News, ngoài vai trò cơ trưởng, Weng Jiaqi còn tham gia đào tạo phi công tại trung tâm huấn luyện bay của China Airlines.  

Vụ việc được cho xảy ra sau khi China Airlines không đạt thỏa thuận với Liên nh phi công để chấm dứt cuộc đình công kéo dài 7 ngày về cải thiện điều kiện làm việc và chế độ lương bổng. Tuy nhiên, đại diện hãng bay cho biết, video phi công ngủ gật được quay trước khi cuộc đình công diễn ra.

Hồi đầu tháng 2, Liên nh phi công đình công hàng loạt khiến China Airlines phải hủy hơn 200 chuyến bay, gần 50.000 hành khách bị mắc kẹt và gây thiệt hại hơn 16,2 triệu đô la. 

Theo thỏa thuận mới đạt được, công đoàn phi công sẽ không đình công trong vòng 3 năm rưỡi. Đổi lại, China Airlines phải đáp ứng yêu cầu chính của liên nh là tăng số lượng phi công trên nhiều chuyến bay để giảm sự mệt mỏi và cải thiện điều kiện an toàn. 

Cụ thể, hãng sẽ bố trí 3 phi công trên các chuyến bay kéo dài hơn 8 giờ thay vì 2 phi công như hiện nay. Đối với các chuyến bay dài 12 tiếng, sẽ có 4 phi công, tăng 1 người so với trước. Cục hàng không dân dụng Đài Loan quy định, các phi công cần nghỉ ít nhất 24 tiếng nếu trải qua chuyến bay kéo dài trên 12 giờ.

Nói về những thay đổi này, Chủ tịch China Airlines Hứa Sở-chiên cho biết: “Việc tăng nhân sự sẽ ảnh hưởng mạnh đến chi phí hoạt động của hãng nhưng chúng tôi đồng ý với các điều khoản vì lợi ích an toàn”.

 
Một chiếc máy bay 9 chỗ Piper PA-31 của hãng hàng không Vortex Air

Theo Luật Hàng không Dân dụng, việc phi công ngủ trong buồng lái trong khi máy bay đang ở trên cao là bất hợp pháp, tuy nhiên trường hợp này xảy ra không phải hiếm. Hồi tháng 11/2018, một phi công của hãng hàng không Vortex Air, Australia cũng ngủ gật trong chuyến bay từ thành phố Devonport, bang Tasmania tới đảo King ở gần đó. 

Dữ liệu theo dõi lộ trình bay của Flight Radar 24 cho thấy, chiếc máy bay 9 chỗ Piper PA-31 vượt quá đường băng tới 46 km, sau đó quay đầu và hạ cánh tại điểm đến như kế hoạch. Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB) sau đó mở cuộc điều tra và đánh giá hành vi của phi công là một sự cố nghiêm trọng. 

Những năm gần đây, ngành hàng không châu Á luôn duy trì tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc với việc các hãng giá rẻ liên tục ra đời. Tuy nhiên, xu thế đó cũng tạo ra thách thức không nhỏ bởi sự thiếu hụt phi công ngày càng trầm trọng và khiến họ bị quá tải.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Hiện có 171 tàu bay khai thác mang quốc tịch Việt Nam và dự kiến đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 tàu bay.

Đồng thời, từ nay đến năm 2030, ngành hàng không cần khoảng 200 phi công mỗi năm. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, việc thành lập trung tâm huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam rất cần thiết và là chiến lược quan trọng của ngành hàng không dân dụng trong giai đoạn hiện nay.