Kiến nghị lắp đặt thiết bị theo dõi nồng độ cồn trên xe hơi

Trước việc gia tăng số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, mới đây, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ đã có kiến nghị về việc trang bị thiết bị giám sát nồng độ cồn trong máu trên tất cả các phương tiện mới để ngăn chặn việc một tài xế say xỉn lái xe.

Bà Sheila Lockwood nhớ lại lần cuối cùng bà gặp cậu con trai Austin 23 tuổi của mình: “Austin rời nhà, ôm tôi và tôi nói với nó là đi cẩn thận nhé, mẹ yêu con rồi sau đó nó đi làm”.

Sau khi kết thúc giờ làm việc, trên đường trở về nhà ở bang Illinois và đến giúp bạn sửa cabin ở Wisconsin. Họ cùng đi đến một quán bar. Khi đó, Austin là hành khách và bạn của anh ấy là tài xế.

“Khi đó người lái xe đã đi rất nhanh, vượt quá tốc độ cho phép và bị mất kiểm soát. Chiếc xe chở con trai tôi đã đâm vào một cái cây”, bà Sheila Lockwood nghẹn ngào cho biết.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn do tài xế say xỉn cầm lái gây ra tại Mỹ trong những năm gần đây.

Mỹ kiến nghị về việc trang bị thiết bị giám sát nồng độ cồn trong máu trên tất cả các phương tiện mới. Ảnh: CNN

Đáng chú ý là vụ tai nạn kinh hoàng vào năm ngoái, khi một người lái xe say rượu đã va chạm trực diện với một phương tiện khác gần Fresno, California, khiến cả tài xế và 7 trẻ em ngồi trên xe trong độ tuổi từ 6 đến 15 thiệt mạng.

Nồng độ cồn trong máu của người lái xe SUV là 0,21%, gần gấp ba lần giới hạn luật pháp của California. Tài xế gây tai nạn cũng bị phát hiện sử dụng ma tuý. Theo báo cáo, chiếc SUV gây tai nạn đã di chuyển với vận tốc từ từ 140 – 160 km/h.

Sau một vụ tai nạn nghiêm trọng này, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) khuyến nghị Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) nghiên cứu bắt buộc các phương tiện phải có hệ thống giám sát nồng độ cồn trong máu.

Về công nghệ này, Ahmed Banafa, Giáo sư kỹ thuật và chuyên gia công nghệ của Đại học bang San Jose, cho biết: "Tôi xem công nghệ này như một phần của sự tiến bộ mà chúng tôi thấy trong công nghệ xe hơi. Chúng ta có xe điện, xe hơi tự lái. Bây giờ, chúng ta đang nói về vấn đề an toàn".

Banafa đã loại bỏ ý tưởng về hệ thống phát hiện nồng độ cồn thụ động, hệ thống sẽ không yêu cầu người lái xe thực hiện một nhiệm vụ như thổi vào ống thở trước khi lên đường.

Bản thân chiếc xe sẽ được thiết kế để không gây rắc rối hoặc làm mất tập trung đối với những người lái xe tỉnh táo. Thay vào đó, các cảm biến tự động sẽ ngăn một người lái xe say rượu khởi hành.

"Đặc biệt là khi bạn khởi động xe, đây là lần đầu tiên chiếc xe chỉ cần cố gắng cảm nhận hơi thở của bạn thôi là có thể quyết định xem bạn có được lái xe hay không", Banafa nói.

Volvo đã nghiên cứu công nghệ này trong nhiều năm, bao gồm camera trong xe và các cảm biến khác để theo dõi người lái và cho phép xe can thiệp trong trường hợp tài xế say xỉn hoặc có biểu hiện mất tập trung.

Năm 2020, có gần 11.700 trường hợp tử vong trong các vụ tai nạn do rượu bia. Ảnh: Getty Imagines

Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia, kể từ năm 2000, hơn 230.000 người chết trong các vụ va chạm liên quan đến rượu. Năm 2020, có gần 11.700 trường hợp tử vong trong các vụ tai nạn do rượu bia, chiếm 30% tổng số ca tử vong và tăng 14% so với con số của năm 2019.

Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Jennifer Homendy cho biết: “Chúng tôi cần Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc hành động. Chúng tôi thấy những con số rất đáng báo động. Công nghệ này được triển khai càng nhanh thì càng cứu được nhiều mạng sống”.

Bà Stephanie Manning, Giám đốc phụ trách các vấn đề của chính phủ thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Các bà mẹ chống việc say rượu lái xe (MADD) bày tỏ quan điểm: “Những đứa trẻ và cả người lớn đó đã có thể còn sống nếu như không có vụ tai nạn đó. Vì thế không có lý do gì mà vụ tai nạn tương tự xảy ra một lần nữa vì chúng ta có công nghệ để ngăn chặn nhưng sự cố như thế”.

Ahmed Banafa, Giáo sư kỹ thuật và chuyên gia công nghệ của Đại học bang San Jose, cho rằng việc triển khai công nghệ này là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là chính phủ cần thúc đẩy lộ trình cũng như cần sự hợp tác của người dân. Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất xe hơi trong việc cạnh tranh mức độ an toàn để chinh phục khách hàng.

Mặc dù vậy, sẽ mất nhiều thời gian để có thể triển khai. Hiện có 280 triệu xe ô tô trên khắp nước Mỹ. Vì vậy sẽ phải vài năm nữa mới có thể thấy một “lứa” xe hơi an toàn mới và 2024, 2025 là lời hứa đến từ các nhà sản xuất xe hơi.

Còn tại Việt Nam, TS Khương Kim Tạo - Nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng: Hiện nay việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo an toàn trên xe vẫn theo hướng khuyến khích thay vì bắt buộc. Trong tương lai, cần nghiên cứu một cách tỉ mỉ để hướng dẫn quy định những thiết bị nào cần pháp quy hóa bắt buộc lắp đặt nhằm kiểm soát cưỡng bức một số hành vi vi phạm của lái xe, qua đó đảm bảo an toàn khi lưu thông.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một nghiên cứu đầy đủ và nhanh chóng hơn để có thể đưa vào những quy định pháp quy đối với một số phương tiện như container, ô tô chở khách, xe tải cỡ lớn, một số xe taxi kinh doanh vận tải nên lắp đặt một số những thiết bị tối thiểu để có thể nâng cao an toàn giao thông, thiết bị hỗ trợ, ngay kể cả những thiết bị có thể kiểm soát và cảnh báo về việc sử dụng rượu, bia, kiểm soát và cảnh báo vấn đề chạy quá tốc độ, các vấn đề liên quan đến chạy sai làn đường, vượt ẩu…”,TS Khương Kim Tạo đề xuất.