Kiên Giang: Kênh rạch "chết mòn" vì ô nhiễm

Theo người dân phản ánh, hiện nay, nhiều kênh rạch gần các khu chợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang có chung tình trạng chết dần, chết mòn vì ô nhiễm.

Nguyên nhân là do các tiểu thương và người dân sống gần khu vực kênh, rạch có thói quen vứt trực tiếp những thứ bỏ đi xuống nguồn nước.

Ghi nhận của phóng viên tại bờ sông đoạn phía sau chợ Rạch Sỏi (thành phố Rạch Giá), nước thải từ những sạp buôn bán cá, rau…men theo mặt đường rồi chảy thẳng xuống dòng sông.

Cuối đường Hồ Xuân Hương nơi khu vực neo đậu thuyền thì trở thành điểm tập kết rác với rất nhiều thùng xốp và bọc nilong… đáng lo ngại hơn khi có một số rác rơi xuống nước trôi nổi lềnh bềnh, gây ô nhiễm môi trường.

Thói quen vứt rác trực tiếp xuống kênh rạch của nhiều người đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm

Theo người dân sống gần chợ Rạch Sỏi, khu vực phía sau chợ trước đây từng bị ô nhiễm nghiêm trọng vì những tiểu thương xả rác trực tiếp xuống sông, tuy nhiên ngành chức năng đã có phương án thu gom, nạo vét và đồng thời nhắc nhở, giúp vấn đề ô nhiễm và tình trạng xả rác bừa bãi có chuyển biến tích cực.

Nhưng chỉ được một thời gian mọi thứ lại “quay về quỹ đạo” cũ. Rác tràn ngập mọi ngóc ngách, ngổn ngang trên bờ, lềnh bềnh dưới sông. Một người dân phản ánh: “Hồi trước ở đây ô nhiễm lắm, dưới bờ sông là rác phủ kín, hôi lắm. Rồi thành phố cho vớt sạch sẽ, rồi nhắc nhở cấm xả rác. Đến nay là được khoảng 2 năm rồi, sạch sẽ được tới giờ là lại thấy người ta đem rác ra vứt bừa bãi tiếp. Rất bức xúc vì như vậy rất là ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của mọi người.”

Không riêng khu vực Rạch Sỏi, Kênh Tà Lúa đoạn chợ Sóc Xoài, huyện Hòn Đất cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi một bộ phận tiểu thương và người dân vẫn quen tay xả mọi thứ xuống dòng kênh. Một người dân sống gần chợ cho rằng, cần xem xét đầu tư xây dựng đồng bộ dự án hành lang bờ sông, đồng thời quy hoạch lại các khu chợ xa khu vực nguồn nước. Bởi nếu không xử lý và có biện pháp căn cơ, những dòng sông sẽ tiếp tục bị “bức tử” bởi rác, “chết lâm sàng” rồi đến “chết” hoàn toàn:

“Mình nghĩ dọc bờ sông thì làm hành lang đi bộ sẽ rất đẹp, giống như đang làm ở thành phố Rạch Giá, rồi chợ thì nên di dời xa bờ sông hơn, bờ sông chỉ để neo đậu thuyền thôi, vậy có khi sẽ giảm được tình trạng đổ rác xuống sông. Chứ giờ buôn bán gần bên sông như vậy, nhiều người thiếu ý thức tiện tay vứt rác xuống lâu dần sẽ gây ô nhiễm.”

“Nhiều người rất ích kỷ khi có suy nghĩ rằng ném rác xuống sông thì nước sẽ cuốn đi chỗ khác và chỗ khác sẽ ô nhiễm chứ không phải nơi họ sống. Vì thế thì họ cứ xả rác thôi. Mong rằng ngành chức năng cần quản lý sát sao và mạnh tay xử phạt hơn, mình nghĩ là cần lắp camera và có người theo dõi, phát hiện là xử phạt liền. Phạt nặng và diễn ra thường xuyên thì mấy người đó mới sợ.”.

Những dòng sông, kênh rạch đang bị “bức tử” bởi rác

Môi trường là cuộc sống, vì thế mỗi hành vi thiếu ý thức xả rác bừa bãi là đang hủy hoại chính hơi thở, sự sống của chúng ta và thế hệ tương lai. Thế nên cần có sự vào cuộc của ngành chức năng, cơ quan quản lý nhằm mạnh tay xử lý đối với những hành vi thiếu ý thức xả rác ra môi trường.

Người dân cần đồng hành với ngành chức năng trong vấn để kiểm soát, mạnh dạng tố giác đối với những hành vi gây nguy hại đến môi trường để từ đó kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý.