Kiểm soát khí thải xe máy, Luật đã có nhưng còn nhiều rào cản

Từ 01/01/2025 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, quy định mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải. Trước khi quy định chính thức được áp dụng còn có rất nhiều băn khoăn từ dư luận.

Từ 01/01/2025 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, quy định mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, 15 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy vào năm 2010, khí thải từ loại phương tiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trên đường phố Việt Nam này mới chính thức được kiểm soát.

Trước khi quy định chính thức được áp dụng còn có rất nhiều băn khoăn từ dư luận. Còn nhiều rào cản để luật thực sự đi vào cuộc sống. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng Kiểm Việt Nam về nội dung này. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác kiểm soát khí thải xe ô tô, xe máy đối với hoạt động giao thông hàng ngày?

Ông Nguyễn Văn Phương: Kiểm định khí thải phương tiện giao thông là một trong những yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng môi trường cũng như hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việc kiểm soát khí thải xe máy đã được xem xét nghiên cứu từ những năm 2010 Chính phủ đã có đề án 909 về kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, tuy nhiên lượng mô tô xe gắn máy tại Việt Nam là rất lớn (thống kê của Cảnh sát giao thông thì cả nước có khoảng 78 triệu xe, trừ đi số xe đã hết hạn sử dụng thì còn khoảng trên dưới 60 triệu chiếc), và với số lượng này thì kiểm soát khí thải là bài toán rất nan giải.

Việc này ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có người thu nhập thấp do đó các cơ quan liên quan phải nghiên cứu rất cẩn trọng để đánh giá tác động và đưa ra lộ trình phù hợp. Thực tế, chúng ta đã thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM rồi tuy nhiên từ thí điểm đến nhân rộng ra là cả một khoảng cách. Như tôi nói là số lượng xe rất lớn, ảnh hưởng nhiều người nên cần phải tính toán cẩn thận.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp phù hợp để có thể nhanh chóng triển khai công tác kiểm soát khí thải cho mô tô, xe gắn máy?

Ông Nguyễn Văn Phương: Hiện nay với hơn 5,4 triệu xe ô tô mà phải huy động rất nhiều nguồn lực nên với 78 triệu phương tiện xe máy thì đòi hỏi còn khó khăn hơn. Về phía Cục Đăng Kiểm, chúng tôi tính toán phương án huy động toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới hiện nay khoảng 300 đơn vị, toàn bộ cơ sở bảo dưỡng ô tô khoảng hơn 600 đơn vị cũng như toàn bộ hệ thống xưởng bảo hành bảo dưỡng mô tô xe gắn máy may ra mới đáp ứng được.

Ngoài ra, tôi cho rằng cần cân nhắc làm trước ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ rồi sau đó nhân rộng ra.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu xử lý trước một số loại phương tiện để đảm bảo vừa bảo vệ môi trường vừa có tính khả thi cho đề án kiểm soát khí thải. Môi trường thì ai cũng mong muốn nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, địa phương.

PV: Lộ trình tiến tới Net to Zero đã được Chính phủ cam kết rõ ràng, vậy từ giờ đến đó, đâu là thời điểm phù hợp để triển khai kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thời điểm nào là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã giao cho Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính Phủ ban hành lộ trình kiểm soát khí thải cũng như áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các loại phương tiện tham gia giao thông.

Thời gian tới, Cục Đăng Kiểm Việt Nam, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường để sớm trình lộ trình này. Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần phải có một khoảng thời gian đủ để đánh giá tác động đến kinh tế xã hội cũng như người dân trước khi ban hành.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!