Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Ô nhiễm từ khí thải xe máy, giải pháp vẫn... loay hoay

Vũ Loan: Thứ ba 11/06/2024, 08:17 (GMT+7)

Nguồn khí thải từ ô tô, xe máy là một trong các tác nhân chính gây khói bụi và ô nhiễm không khí, đang tác động đến hàng triệu người sống và làm việc tại thành phố lớn.

Dù có nhiều đề án, dự thảo được đưa ra để kiểm soát khí thải từ mô tô, xe gắn máy nhưng đây vẫn là bài toán chưa có lời giải, bởi phương tiện giao thông này đang đáp ứng ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong đô thị:

Mặc dù, xe máy mới trước khi bán ra thị trường đã được kiểm soát chất lượng khí xả phải đạt Euro 3 và tiến tới sẽ là Euro 4, nhưng với lượng xe gắn máy đã và đang lưu hành thì chưa có giải pháp nào khả thi.

Lý giải về tình trạng này, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng: "Bây giờ Luật Trật tự an toàn giao thông mới quy định về vấn đề kiểm định khí thải xe máy. Bây giờ Luật phải thông qua mới triển khai được. Thật ra chỉ cần làm chặt các phương tiện cũ nát quá thì chất lượng khí thải cũng đảm bảo được."

Ảnh minh hoạ: Báo TN&MT

Ảnh minh hoạ: Báo TN&MT

Theo kết quả đo kiểm khí thải xe máy thí điểm ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM gần đây nhất cho thấy, khí thải của các xe chỉ cần đã qua 5 năm sử dụng đã có tỷ lệ vượt quy định của tiêu chuẩn lớn. Như vậy, với sự gia tăng số lượng xe máy theo thời gian mà vẫn không có giải pháp quản lý chất lượng khí thải thì vấn đề ô nhiễm không khí đô thị sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện chuyên ngành môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải đưa ra cảnh báo: "Hà Nội có lượng xe máy đang lưu hành khoảng gần 7 triệu chiếc; mỗi năm bình quân có thêm khoảng 200.000 xe mới được đưa vào sử dụng. Nếu chúng ta không kiểm soát chất lượng khí thải xe máy thì rõ ràng nguồn thải này sẽ ngày càng lớn và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân thành phố."

Thực tế, không ít lần cơ quan Nhà nước đưa ra chủ trương, quy định mới liên quan đến mô tô, xe máy đều gặp vướng mắc. Lý do chính là xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong đô thị:

"Ô nhiễm môi trường từ khí thải động cơ thải ra thì công nhận là ô nhiễm thật, nhưng bây giờ bảo là để cho nó đảm bảo không ô nhiễm môi trường thì dân đi bằng kiểu gì."

"Lượng xe máy của người dân lao động của mình chủ yếu là đi xe máy nhiều, chứ có phải nhà nào cũng giàu, đi ô tô đâu."

"Nếu thực hiện được thì tốt, nhưng căn bản ở mình đây đa số mọi người sử dụng xe máy là chính, nên lúc thực hiện chắc là sẽ vấp phải sự phản đối của rất nhiều người."

"Nếu để cho chất lượng môi trường tốt hơn, về tương lai lâu dần hạn chế xe máy em nghĩ vẫn là phương án khả thi nhất."

TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho rằng, vẫn chưa có lộ trình phù hợp nhất trong kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy để đảm bảo sự công bằng và lợi ích của người dân:

"Trách nhiệm của Nhà nước và trách nhiệm của xã hội hỗ trợ người dân thì chúng ta phải thông qua các nhà sản xuất xe máy và có khuyến cáo người dân là xe sau 12 đến 15 năm thì không nên sử dụng, vì nó không đảm bảo được môi trường sống. Mỗi một người, một công dân có trách nhiệm đối với xã hội, sau đó xã hội sẽ có trách nhiệm hỗ trợ, lan tỏa."

Theo báo cáo của Viện Môi trường - Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu thực hiện kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy có thể giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí do loại phương tiện này gây nên. Tuy vậy trên thực tế, chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm kịch bản phù hợp khi các đề án, chính sách mới chỉ nằm trên giấy.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn