Kiểm soát chặt nồng độ cồn, TNGT do bia rượu thay đổi ra sao?

Sau 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 15/2/2023- 14/2/2023), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã xử lý hơn 27 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Trong đó, 7 ngày Tết đã xử lý 7.700 trường hợp vi phạm, tăng 600% so với Tết năm 2022.  Hiệu quả của chiến dịch kiểm soát nồng độ cồn thể hiện rõ nhất ở số lượng bệnh nhân bị TNGT do liên quan đến rượu bia giảm hẳn.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. BS Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng khoa Kế hoạch và Tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức về nội dung này: 

 

PV: Thưa ông, xin ông cho biết số liệu về số ca tử vong chấn thương do tai nạn giao thông mà người điều khiển có sử dụng rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, so sánh với những năm gần đây?

BS Đỗ Mạnh Hùng: Qua thống kê của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dịp Tết Nguyên Đán năm 2023, tỷ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông mà chúng tôi định lượng nồng độ cồn trong máu chiếm 11,7 %, giảm so với các năm trước. Dịp Tết 2022, tỷ lệ này là 18,5 % năm; 2021 là 67,2 % và năm 2020 là 10,3 %.

Tỷ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia giảm hẳn dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân tử vong hoặc nặng xin về do có yếu tố về uống rượu, bia thấp hơn so với các năm khác.

Trong năm 2022, bệnh viện có 27 bệnh nhân nặng tử vong do nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT), trong khi năm 2019 là 34 ca.

Sau 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 15/2/2023- 14/2/2023), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã xử lý hơn 27 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

PV: Theo ông thì có cần tiếp tục duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý những người vi phạm nồng độ cồn trong thời gian tới?

BS Đỗ Mạnh Hùng: Năm 2019 tỷ lệ tử vong của bệnh nhân do tai nạn giao thông là 3,5%. Tuy nhiên đến năm 2022 thì giảm xuống còn 1,2%. Như vậy, chúng ta thấy có một xu thế giảm rất rõ rệt và đặc biệt tỷ lệ những bệnh nhân chấn thương do tai nạn giao thông và uống rượu giảm hơn rất nhiều.

Liên hệ với các chiến dịch của Đảng và Nhà nước và đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn với người tham gia giao thông trên đường phố.

Chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả của chiến dịch này, khi số lượng bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm rất rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng giảm mạnh.Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân đa chấn thương mức độ vừa và nhẹ thấp đi

Tỷ lệ người bệnh bị chấn thương do TNGT giảm sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho bản thân cả gia đình người bệnh, giảm các di chứng cho nạn nhân và  giảm gánh nặng đối với xã hội.

Do vậy, chúng tôi thấy rằng việc tích cực trong công tác kiểm soát của các đồng chí công an, cảnh sát giao thông đã góp phần rất là rõ rệt trong công việc nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh mà tham gia giao thông uống rượu, bia và từ đó làm giảm thiểu mức độ tàn phá nặng nề lên chính cơ thể bệnh nhân gia đình bệnh nhân cho toàn xã hội nói chung.

Chúng tôi thấy rằng, thời gian tới cần tiếp tục duy trì nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức kiểm soát nồng độ cồn trên đường phố để từ đó góp phần giảm thiểu tỷ lệ người bệnh chấn thương do TNGT có liên quan đến rượu bia, để đảm bảo người dân một cuộc sống yên bình hơn.

PV: Vâng. Xin cảm ơn bác sĩ!