TĂNG CƯỜNG TÍNH KHẢ THI CỦA CHÍNH SÁCH
Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều. Dự thảo đã dành Chương III quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Chương này đã luật hóa khái niệm cho loại hình điện gió ngoài khơi, quy định nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tua-bin điện gió được xây dựng cách đất liền trên 6 hải lý kể từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm.
Chương III cũng quy định phát triển điện gió ngoài khơi và chính sách hỗ trợ đối với loại hình này (giao Chính phủ quy định) để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW. Ngoài ra, còn một số quy định khác như việc phát triển nguồn điện tự sản, tự tiêu cho các mục đích như sinh hoạt, hành chính sự nghiệp và sản xuất, kinh doanh cùng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ gia đình.
Nội dung mới nữa là quy định phát triển điện từ năng lượng mới căn cứ yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, bổ sung quy định trong việc thực hiện sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị của điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Những nội dung này của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Các đại biểu ủng hộ các chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay và xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện cơ chế cụ thể, đồng bộ và nhất quán với chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Hai là, để đảm bảo phát triển bền vững nguồn điện tái tạo, điện năng lượng, năng lượng xanh, trong luật cần tiếp tục rà soát, tham chiếu các quy định pháp luật liên quan để có quản lý, phát triển, sử dụng phù hợp.
Ba là, để tăng cường tính khả thi của chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
ĐẶT NỀN TẢNG PHÁP LÝ
Một trong các nội dung lớn hiện nay đối với Luật Điện lực (sửa đổi) là phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo. Vậy, Dự thảo Luật Điện lực lần này xác định các chính sách chung và đặt nền tảng pháp lý cho loại hình điện này ra sao? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng bà Phan Đỗ Thu Ngân, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương.
PV: Thưa bà, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới được đề cập ra sao trong Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)?
Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng với 06 chính sách lớn bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh nh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Một trong các nội dung nổi bật nhất là chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và các cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 trong thời kỳ mới như đáp ứng mục tiêu trung hoà các bon vào năm 2050 tại COP 26.
PV: Vậy, cụ thể các chính sách mới để tạo động lực phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới là gì, thưa bà?
Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Xu thế xanh và sạch là xu thế của thế giới, hiện nay các nước trong khu vực và trên thế giới đều có xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, sạch để chống biến đổi khí hậu.
Đây là vấn đề quan trọng cần được cụ thể hóa, một số các quy định trong Luật Điện lực là phát triển các loại hình nhà máy điện bằng công nghệ ít phát thải ra môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đang hướng tới bổ sung quy định phát triển năng lượng tái tạo và đã có hẳn một chương về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Mục tiêu lâu dài là thực hiện cam kết của Việt Nam là giảm phát thải carbon, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi từ các nhà máy điện có độ phát thải cao sang phát thải thấp như điện mặt trời, điện gió.
PV: Theo bà, những quy định mới trong Luật sẽ có ý nghĩa thế nào trong thực tiễn?
Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Năng lượng là một trong những lĩnh vực có tác động trực tiếp vì các nhà máy điện nếu phát thải lớn sẽ tác động đến môi trường. Khi thay đổi, chuyển dịch năng lượng sẽ giảm sự phát thải ra môi trường nên có ý nghĩa rất lớn với việc giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
Khi dự án Luật được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư căn cứ theo các quy định để triển khai đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu chung là chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
PV: Xin được cảm ơn bà!
ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI AN NINH NĂNG LƯỢNG
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh về những đóng góp cho Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) về bước tiến mới trong hành lang pháp lý phát triển năng lượng tái tạo.
PV: Thưa ông, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra các quy định mới nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của những quy định này?
Ông Hà Đăng Sơn: Những định hướng nay của Đảng và Chính phủ là chuyển đổi dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang tăng tỷ trọng của các năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới, và chúng ta phải tạo một khung pháp lý, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho đầu tư dự án lưới điện cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Dự thảo Luật Điện lực lần này đã giải quyết được rõ ràng khi có hẳn một chương để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới, đưa vào các quy định cho việc đầu tư các dự án năng lượng mới.
Bản Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra để giải quyết các khó khăn, vướng mắc để phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới phục vụ phát điện. Đây là một bước tiến quan trọng khi trước đây vấn đề thúc đẩy năng lượng tái tạo, chuyển dịch cơ cấu nguồn điện thì đều chỉ nằm ở mức độ ở Chính phủ, ở các Nghị định riêng biệt và có thời hạn nhất định.
Chúng ta chưa có hành lang pháp lý dài hạn nên các nhà đầu tư hoang mang, lần này trong Luật Điện lực đã nêu rõ các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy như ưu đãi đầu tư.
PV: Trong Dự thảo này cũng đề cập nhiều quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án điện. Ông có đóng góp gì với việc hoàn thiện các quy định này?
Ông Hà Đăng Sơn: Chúng ta phải làm sao xây dựng được một hành lang pháp lý mà mang tính thực tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và các định hướng lâu dài của đất nước Luật này có một số điểm mà tôi chưa thực sự thỏa mãn như cơ chế thúc đẩy để làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ, liên kết khoa học thì chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo lần này.
Tôi mong rằng, khi cân đối giữa các Luật với nhau thì nội dung này sẽ được nêu ra và đề cập trong các Luật khác hoặc lần sửa đổi tiếp theo để chúng ta thực sự là một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng, chứ không phải là chúng ta chỉ đi nhập khẩu và phụ thuộc công nghệ của nước ngoài. Như vậy việc sửa đổi Luật cũng không đạt kỳ vọng như mong muốn.
PV: Ông kỳ vọng gì vào Luật Điện lực (sửa đổi) khi được thông qua, giúp phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước ra sao?
Ông Hà Đăng Sơn: Tôi rất mong muốn việc điều chỉnh Luật Điện lực lần này sẽ trở thành bước nhảy để vừa đảm bảo cân đối trong ngắn hạn về an ninh năng lượng, cung ứng điện.
Tuy nhiên trong dài hạn chúng ta sẽ làm chủ công nghệ, có những doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và dần dần chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới.
PV: Xin được cảm ơn ông!
Nhiều loại hình nguồn điện, trong đó có năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió ở rất nhiều địa phương trong cả nước có tiềm năng để phát triển, nhưng nếu không có cơ chế đồng bộ, khả thi thì sẽ gặp vướng mắc trong quá trình phát triển. Do đó, Luật Điện lực cần đưa ra và giải quyết được nhiều chính sách lớn, quan trọng về vấn đề này.
Bạn kỳ vọng gì vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) do Bộ Công thương soạn thảo với các chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới ? Theo bạn, các quy định này sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thế nào? Cùng với đó là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân ra sao?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.
----
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Từ và thứ Bảy hằng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.