Không đội mũ bảo hiểm cho con: Phụ huynh ngại hay không sợ bị phạt?

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học y tế công cộng tại 10 tỉnh, thành, tỷ lệ đội MBH của trẻ em tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 40-44%, trong đó tỷ lệ đội MBH đúng cách của trẻ dưới 6 tuổi tại Hà Nội chưa đến 20%.

Vậy đâu là rào cản của tình trạng này? Cần làm gì để thúc đẩy phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông?

Lúc 6h30-7h sáng ngày 5/9, tại khu vực cổng trường Tiểu học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và cổng trường một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, phần lớn các em được phụ huynh đưa đến lớp bằng xe gắn máy, song rất nhiều em không đội mũ bảo hiểm, nhiều trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều không đội mũ bảo hiểm. Một số phụ huynh, ở quận Hà Đông phản ánh:

"Hôm nay em thấy, các bạn lớp 1 lớp 2 chưa thấy đội MBH nhiều, những bạn lớn đã có ý thức đội MBH, nhưng tỷ lệ cũng ít thôi".

"Sáng nay, đến sớm nên một số học sinh không đội MBH. Mình nghĩ là vội quá nên đa số mới quên. Mình có MBH cho 2 mẹ con vì cũng sợ cháu bị trừ điểm, thứ 2 là đi hơi xa xa nên cũng phải đội MBH cho an toàn".

Theo một số phụ huynh, chiếc mũ bảo hiểm khá cồng kềnh, trong khi cốp xe máy không đủ rộng để cất mũ bảo hiểm, một số trường cũng không có nơi để cất mũ bảo hiểm nên việc mang theo MBH cũng gây ảnh hưởng đối với những phụ huynh thường xuyên di chuyển ngoài đường. Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khác được đưa ra để biện nh cho hành vi không đội MBH cho học sinh tiểu học:

"Nhà tôi cũng gần đây, ngay trong ngõ này. Nhiều khi tiện, một là đi chợ, hai là tiện thì dẫn con đi luôn. Cũng vội nữa, buổi sáng thường rất vội, hôm nay cũng vội lắm".

"Thực tế cũng có một số phụ huynh cũng còn không lưu tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho bản thân mình".

Trong khi đó, chị Hương Lan, ở quận Hà Đông còn khá băn khoăn vì thiết kế mũ bảo hiểm chưa thực sự phù hợp với thể trạng của trẻ nhỏ:

"Em thấy MBH phát cho các con cũng hơi rộng, con gái đầu hơi bé nên hơi rộng, các bạn đội không được thoải mái, bạn ý không được thoải mái lắm . Đối với cậu con trai, mũ bảo hiểm em mua ở ngoài chọn theo size thì vừa hơn".

Nhiều trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều không đội mũ bảo hiểm

Theo một nghiên cứu của Sáng kiến từ thiện của Bloomberg về an toàn đường bộ toàn cầu (BIGRS) và trường Đại học Johns Hopkins về các yếu tố rủi ro an toàn đường bộ tại Hà Nội đã chỉ ra, đạt khoảng 85% người dân sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách lại thấp. Đặc biệt, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách ở trẻ em là thấp nhất (19%).

Một số phụ huynh cho rằng, lỗi của việc trẻ không đội MBH nằm ở chính các bậc phụ huynh:

"Có thể một số phụ huynh thấy gần nhà, còn mình thì nhà cách đây khoảng 800m, mình vẫn cho con đội mũ bảo hiểm, mà nhàtrường cũng phát cho mũ bảo hiểm, chứ không phải không".

"Phụ huynh không có ý thức nhắc nhở các con thì chứng tỏ phụ huynh đấy cũng không quan tâm đến các con lắm tại vì ít nhất đội mũ bảo hiểm vừa tôn trọng ý kiến của thầy, cô giáo, vừa bảo vệ sức khỏe của con mình".

Việc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, chưa đúng cách cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều phụ huynh và trẻ em đội MBH chưa đạt chuẩn. Nguyên nhân là những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn khó tiếp cận và có giá thành khá cao.

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã phân tích sự khác biệt giữa những chiếc mũ bảo hiểm giả với những chiếc mũ bảo hiểm được sản xuất theo đúng quy chuẩn trong việc bảo vệ vùng đầu cho trẻ em nếu không may xảy ra tai nạn giao thông:

 

"Đây là phần bên trong của chiếc mũ bảo hiểm. Nó không thể nào vỡ được nếu người đội MBH không may bị va chạm, chiếc mũ đạt chuẩn sẽ có một lớp nhựa và lớp xốp EPS giúp tản đều xung lực khi xảy ra va chạm. Khi mà chúng ta ngồi trên xe máy, chiều cao từ đầu so với mặt đường tối thiểu 1,5m.

Tôi nghĩ rằng không ai muốn con mình rơi từ độ cao như thế kể cả trong trường hợp xe máy không di chuyển, nên việc đội MBH đạt chuẩn và đúng cách là cách bảo vệ sự an toàn của trẻ".

Lỗi của việc trẻ không đội MBH nằm ở chính các bậc phụ huynh

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBAT giao thông quốc gia, mặc dù có cùng mức độ rủi ro khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, thậm chí trẻ em còn dễ bị tổn thương hơn, song tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm lại khá thấp (trong khi người lớn, tỷ lệ này đạt trên 90%),:

"Trẻ em là lứa tuổi chưa trưởng thành, người quyết định việc trẻ em ngồi trên xe máy phải đội mũ là người chở trẻ em. Rõ ràng là trách nhiệm của bố mẹ, trách nhiệm của người giám hộ là rất lớn. Nếu chúng ta chỉ bàn về trách nhiệm sẽ không giải quyết được vấn đề, mà ở đây là nhận thức và kiến thức của những người chở trẻ em là cực kỳ quan trọng khi họ nhận ra rằng mũ bảo hiểm là thiết bị bảo hộ duy nhất để bảo vệ trẻ em khi có va chạm và cái đó là rất cần thiết".

Trước lý do của một số phụ huynh hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm về quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. LS Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm Danh phân tích, theo Điều 30 của Luật giao thông đường bộ 2008, chỉ có 03 trường hợp không bắt buộc đội MBH khi đi xe mô tô xe gắn máy là chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

"Trong mọi trường hợp, tất cả người điều khiển xe đều phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách. Người ngồi sau có thể không đội mũ bảo hiểm nếu thuộc trong 3 trường hợp nêu trên, trong đó có trẻ em dưới 06 tuổi".

Nhiều phụ huynh “hiểu nhầm” hoặc cố tình hiểu nhầm là hiện chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông là cách để bảo vệ an toàn cho trẻ và xây dựng nguồn nhân lực tốt cho đất nước trong tương lai.

Do vậy, song song với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động cưỡng chế, xử lý nghiêm các vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ.

Đây cũng là Góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: Không thể trông chờ sự tự nguyện

Bước vào năm học mới, nhiều gia đình, bậc phụ huynh đều chuẩn bị cho con những bộ quần áo, cặp sách, đồ dùng học tập mới… thế nhưng, nhiều người lại chưa quan tâm đến việc lựa chọn một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng và đội mũ đúng cách cho trẻ. Những đứa trẻ “đầu trần” khi ngồi trên mô tô, xe máy của cha mẹ là hình ảnh thường thấy trong ngày khai giảng năm học mới.

Trong số các nguyên dẫn đến tình trạng phụ huynh phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, là hiện nay chưa có nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt, trong khi nhiều phụ huynh “hiểu nhầm” hoặc cố tình hiểu nhầm là hiện chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp cưỡng chế đối với những hành vi này, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham mưu với Chính phủ, thực hiện nghiên cứu đặc điểm thể trạng của học sinh Việt Nam theo từng lứa tuổi, xây dựng quy chuẩn thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp với trẻ em Việt. Từ đó, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia sản xuất mũ bảo hiểm cho trẻ em để tăng tính đa dạng và sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

 Đồng thời, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng các chương trình giáo dục về an toàn giao thông nói chung, đội mũ bảo hiểm nói riêng, sinh động, thực chất hơn; đồng thời có những quy định, hướng dẫn các trường bố trí các giá, nơi treo mũ bảo hiểm cho các con khi mang tới trường.

Về phía các nhà trường cần phối hợp với Ban An toàn giao thông các địa phương tiếp tục làm mới các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn về tác dụng của mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông.

Ngoài những cuộc thi tìm hiểu trên lý thuyết, những poster, clip sinh động, các nhà trường cần bổ sung học liệu, tổ chức có những hoạt động thực hành trực quan, sinh động để các em học sinh dễ hình dung về sự cần thiết bảo vệ vùng đầu đối với sức khỏe nói chung và khi tham gia giao thông nói riêng.

Cùng với đó, thông qua Đoàn/Đội trong nhà trường, các đội Sao Đỏ cử các em học sinh trực tiếp giám sát, chấm điểm và thi đua trong hoạt động chấp hành luật giao thông đường bộ nói chung và đội mũ bảo hiểm nói riêng.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về quy định đội mũ bảo hiểm, giúp người tham gia giao thông, đặc biệt là các bậc phụ huynh hiểu đúng, đầy đủ về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và trẻ em dưới 6 tuổi khi tham gia giao thông.

Chỉ khi các phụ huynh nhận thấy việc đội MBH đúng cách cho trẻ cũng quan trọng như tiêm vắc –xin phòng bệnh, có tác dụng bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ khi tham gia giao thông, mới có thể giáo dục, hướng dẫn con em mình hiểu đúng về tác dụng của mũ bảo hiểm.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) chỉ ra đội MBH đạt chuẩn giảm 6 lần nguy cơ tử vong và giảm 74% nguy cơ chấn thương sọ não. Đối với trẻ nhỏ, việc bảo vệ vùng đầu càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển khi trưởng thành. Khi không may xảy ra, mũ bảo hiểm là một trong những giải pháp duy nhất để bảo vệ vùng đầu cho trẻ nhỏ.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Giáo dục trẻ em hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và thói quen bảo vệ an toàn cho bản thân ngay từ nhỏ không chỉ giúp thế hệ tương lai có ý thức chấp hành pháp luật tốt mà còn xây dựng được nguồn nhân lực mạnh khỏe trong tương lai.