Khi xe công nghệ "đóng vai" phương tiện chở khách công cộng

Taxi công nghệ đóng vai trò như phương tiện giao thông công cộng, chở khách theo ‘giá vé cố định’ là phương thức hoạt động hiệu quả và nhận được sự ủng hộ rất rộng rãi.

Đến thành phố Wilson, bang North Carolina (Mỹ) nhiều người chắc hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên bởi không hề nhìn thấy một chiếc xe buýt nào chạy trên đường.

Nguyên nhân là bởi, trước đó, chính quyền thành phố đã cho dừng toàn bộ hệ thống xe buýt để triển khai dịch vụ xe chở khách cỡ nhỏ, hoạt động tương tự như taxi công nghệ. Dự án được biết đến rộng rãi với tên gọi crotransit .

Một chiếc xe dịch vụ đậu đối diện Tòa thị chính Wilson - Ảnh WFAE

Theo đó, hành khách sẽ dùng ứng dụng trên điện thoại thông nh để đặt các chuyến đi. Điều khác biệt ở chỗ họ chỉ phải trả một khoản chi phí rẻ hơn nhiều so với dịch vụ gọi xe như Uber hay Lyft. Cụ thể giá vé chung là 2,5 USD cho mỗi chuyến đi đến bất cứ nơi nào trong thành phố.

Ông Rodger Lentz, Giám đốc Cơ quan Kế hoạch và phát triển, thành phố Wilson cho biết: “Hiện nay hệ thống của chúng tôi bao phủ 100% thành phố. Vì vậy, không có nơi nào mà phương tiện công cộng không thể tiếp cận được”.

Trước đó, năm 2020, thành phố Wilson, với dân số gần 50.000 người, có 5 tuyến xe buýt cố định. Tuy nhiên, do vị trí các bến đỗ xa khu dân cư cùng thời gian chờ đợi lâu khiến phương tiện này hoạt động không hiệu quả và rất vắng khách.

Ông David Bunn, 64 tuổi, người trước đây thường phải đi bộ 8km để mua nhu yếu phẩm cho biết, kể từ khi có dịch vụ đặt xe theo yêu cầu, việc đi lại của ông đã thay đổi hẳn: “Bây giờ tôi không cần phải đi bộ đến những nơi tôi muốn, mà có xe đến đón tận nhà. Họ rất lịch sự và chuyên nghiệp. Đó là tài sản lớn đối với thành phố Wilson và là dịch vụ tuyệt vời đối với tôi”.

Theo các chuyên gia, giải pháp giao thông công cộng dựa trên công nghệ và nhu cầu đi lại như crotransit đang được nhiều cộng đồng dân cư, đặc biệt ở khu vực nông thôn tìm kiếm. Chính quyền thành phố Wilson đã khai thác một cách sáng tạo nguồn tài trợ công có sẵn, thay vì chỉ tập trung cho xe buýt, tàu điện ngầm như các đô thị lớn, từ đó tiếp tục nhận được tiền tài trợ.

Trong một chia sẻ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg cũng cho rằng, mọi người cần được hưởng dịch vụ đi lại thuận lợi ở bất cứ nơi nào họ sống, kể cả những vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa thớt. Đó không chỉ là xe buýt mà là phương tiện đưa mọi người đến nơi họ cần.

Còn theo ông Ryan Brumfield, Giám đốc Cơ quan giao thông đường bộ bang North Carolina, các quan chức ở Wilson đang tìm cách hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp của thành phố, nơi cứ 10 người dân thì 3 người không có ô tô để đi làm. Kể từ khi ra mắt dịch vụ giao thông công cộng theo yêu cầu, hơn một nửa số chuyến đi là dành cho người dân để ‘duy trì và kiếm việc làm’. Ông Brumfield chia sẻ: “Sự kết hợp giữa nhu cầu lớn và nguồn cung dồi dào khiến dịch vụ chở khách theo yêu cầu trở nên hoàn toàn phù hợp”

Tuy nhiên, nhu cầu và sự tiện lợi không phải lý do duy nhất đằng sau lượng khách sử dụng giao thông công cộng ở Wilson tăng đột biến, đến hơn 300%.

Ông David Bunn (ngồi trong xe) chụp ảnh với tài xế xe dịch vụ - Ảnh AP

Nhìn nhận ở góc độ địa phương, ông Gronna Jones, Giám đốc Cơ quan giao thông vận tải thành phố Wilson cho rằng, hình ảnh cũng là một yếu tố quan trọng: “Ở các thị trấn nhỏ phía Nam, nhận thức về giao thông công cộng là dành cho người có thu nhập thấp. Có một sự định kiến gắn liền với xe buýt. Vì vậy việc sử dụng phương tiện vận tải nhỏ và phi truyền thống có thể xóa bỏ sự kỳ thị đó”.

Dù đang hoạt động hiệu quả và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân, nhưng thách thức lớn nhất đối với dịch vụ giao thông công cộng theo yêu cầu ở Wilson vẫn là chi phí.

Ông Kai Monast, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Giao thông vận tải Đại học Bang North Carolina nhận định, chương trình crotransit không thể hoạt động theo hình thức thí điểm mãi mãi nếu không tìm được nguồn kinh phí ổn định và lâu dài.

Ông Monast dự đoán, dù chính quyền thành phố vẫn cam kết duy trì crotransit, song cộng đồng dân cư cuối cùng vẫn sẽ phải quay trở lại hệ thống tuyến đường cố định. Tuy nhiên, được điều chỉnh từ dữ liệu thu thập qua nhiều năm sử dụng dịch vụ giao thông công cộng theo yêu cầu.

Còn tại Việt Nam, xác định hệ thống giao thông, trong đó có giao thông công cộng, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa đã tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc phát triển hệ thống vận tải khách công cộng đã và đang đạt được những kết quả bước đầu.  Thống kê cho thấy, hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động với gần 10.000 phương tiện, thực hiện bởi gần 300 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia giao thông công cộng của người dân, Hà Nội hay TP.HCM không chỉ cần tăng cường kết nối giữa các điểm giao thông công cộng mà cần mở thêm các tuyến buýt chạy về những khu vực xa trung tâm, tạo thuận lợi cho hành khách.