Khi những đứa trẻ vô cảm

Thương con, hãy cho con biết, hôm nay bố mẹ rất mệt và cần được nghỉ ngơi. Thương con, hãy cho con hiểu, có những lúc con cần phải cần quan tâm đến những nỗi lòng của bố mẹ, để con biết yêu thương, chia sẻ và không bị vô cảm ngay với những người thân của

Ảnh nh họa
 

“Trẻ con thời xưa, cơm nắm muối vừng, thậm chí bụng đói đi học. Quần áo thì đứa sau mặc đồ đứa trước. Cả một “dàn” con, bố mẹ vắng nhà, tự trông nhau. Mà sao tụi bây giờ có hai đứa con mà cực quá vậy?”

Những người đã lên chức ông bà, thường phàn nàn với con cái của họ, mỗi lúc thấy những đứa con chiều cháu nội, cháu ngoại hết hơi mà vẫn chưa thỏa cơn mè nheo của bọn trẻ. 

Lạ là trong thời đại ngày nay, mà các gia đình vẫn còn lo con đói. No rồi cũng ép, không muốn ăn cũng ép. Con vào lớp 1 rồi, vẫn còn chạy vòng quanh nhà để đút cho bằng được một thìa cơm. Còn cơm ở đâu mà có. Tại sao cần phải tôn trọng đồ ăn thay vì coi đó là đồ chơi, thì rất ít gia đình giải thích cho con. 

Con muốn những món đồ trong siêu thị. Con cần phải có quần áo đẹp để đi chơi với các bạn. Con không thể làm ngơ nếu con không “chịu chơi” bằng bạn bằng bè. Con có thể biến căn nhà thành “bãi rác”. Bởi bố mẹ luôn cho con câu trả lời: “Con chỉ cần học tốt, mọi việc đã có bố mẹ lo”. Thậm chí, bố mẹ còn lo được cả tương lai của con cơ mà.

Tất bật với công việc, đau đầu với cơ quan, bon chen ở ngoài đường, đêm hôm vất vả, có phải chưa một lần bạn chia sẻ hay than thở với những đứa con mà “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”? 

Nhưng, khi bạn ngã xe, không có ai quan tâm đến đỡ bạn dậy. Khi bạn bị móc túi, dù có mặc sức tri hô, người đi đường vẫn bỏ mặc bạn. Và cho dù bạn gặp hiểm nguy, vẫn có những người rất bàng quan. Bạn có tin, trong số những hoàn cảnh mà bạn gặp phải, người thờ ơ với bạn đã từng là những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường giáo dục như bạn đang giáo dục con bạn không?

Thương con, hãy cho con biết, hôm nay bố mẹ rất mệt và cần được nghỉ ngơi. Thương con, hãy cho con hiểu, có những lúc con cần phải cần quan tâm đến những nỗi lòng của bố mẹ, để con biết yêu thương, chia sẻ và không bị vô cảm ngay với những người thân của mình. 

Sự vô cảm thường bắt nguồn từ sự ích kỉ và thiếu trách nhiệm. Và trong một chừng mực nào đó, vô cảm còn dẫn đến tàn nhẫn. 

Nên đừng vì một cốc nước ấm bạn ngại nhờ con lấy, mà để con bạn “nguội lạnh” trong suốt chặng đường phía trước.

----

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: