Khi cả thế giới quay lưng

Giữa vòng xoáy của cuộc sống, thỉnh thoảng, bạn nhói lòng trước những thông tin ai đó, gia đình nào đó; vì quá quẫn trí mà khước từ sự sống, như một cách giải thoát khỏi bế tắc tột cùng.

Làm ăn thất bát, chồng chất nợ nần, sự nghiệp xuống dốc không phanh, búa rìu dư luận... Thậm chí đến cả người thân, bạn bè đôi khi cũng không thể nào chia sẻ.

Ảnh nh họa

Chính bạn, hẳn cũng từng có lúc hoặc đôi lần, có ý định từ bỏ, buông xuôi, khi mọi thứ vượt quá xa sức chịu đựng.

Cái cảm giác đổ vỡ, mất phương hướng, bế tắc hoàn toàn rất dễ xui khiến người ta đi đến những lựa chọn tiêu cực nhất. Và khi lựa chọn xấu đã xảy ra, tin tức về nó càng khiến người xung quanh bàng hoàng, lo sợ người thân của mình có thể làm vậy, nếu chẳng may gặp cú sốc lớn.

Các chuyên gia luôn khuyên rằng, cần tinh ý phát hiện sớm để can thiệp, hỗ trợ kịp thời trước mỗi bất thường về tâm lý, tinh thần của người xung quanh. Và rằng, sự sống luôn là quý giá nhất, dù nghịch cảnh đến đâu cũng đừng làm điều dại dột.

Nhưng rất tiếc, với những người đang cảm thấy cả thế giới quay lưng, điều đó dường như không còn ý nghĩa.

Sự phát hiện sớm để can thiệp cũng rất quan trọng, nhưng chỉ là cứu vãn, chứ không phải gốc rễ vấn đề. Cái quan trọng hơn cả, là làm thế nào đừng để xuất hiện cảm giác “bị cả thế giới quay lưng”

Ngọn nguồn của đổ vỡ là cái gốc dễ lung lay. Ngọn nguồn của bế tắc, bi quan là cách nhìn thế giới không dựa trên những quy luật vận hành muôn thuở của nó, mà chỉ bám chấp vào hiện tượng và so đo về may rủi.

Rất nhiều chương trình, khóa học dạy cách khởi nghiệp, làm giàu, nhưng rất hiếm nơi dạy người ta phải làm gì khi sạt nghiệp.

Những đứa trẻ được người lớn truyền cho cảm giác rằng cả thế giới chào đón chúng từ lúc ra đời, nhưng theo từng bước lớn lên, chúng không được chuẩn bị tinh thần sẽ có một ngày bị cả thế giới quay lưng, cho đến khi chúng cảm thấy như vậy.

Sự thực, thế giới chưa từng quay lưng và cuộc sống vốn công bằng với tất cả. Cảm giác bị quay lưng chỉ là một thứ cảm thọ nhất thời, khi cái tôi chưa được chuẩn bị, luyện rèn để sẵn sàng cho những khả năng xấu nhất.

Và ngay cả khả năng xấu, cũng chỉ là một thứ khả năng, mà người bản lĩnh nhìn vào thì thấy thử thách cần phải vượt qua nếu muốn nâng tầm bản thân, còn người yếu đuối chỉ nhìn thấy bức tường sừng sững.

Hoa hồng và gai nhọn, mảnh vỡ và pha lê, thất bại và thành công, luôn là các mặt song hành. Chuẩn bị cho thành công - dẫu gian khổ nhọc nhằn, vẫn thường dễ dàng hơn vượt qua thất bại.

Vậy mà, chúng ta lâu nay lại chỉ dạy lũ trẻ cách để trở nên thành công, cách tiến đến đỉnh cao, mà quên nói với chúng về những cái hố, những vực sâu trên đường, những gai nhọn chìa ra như một tất yếu, để chúng bình thản và vững vàng khi đối diện.

Sự bình thản và điềm tĩnh không tự nhiên có được, nó chỉ hình thành qua trải nghiệm với sự nhận thức tự thân kèm theo chỉ dẫn.

Vì thế, những cách thức bế tắc mà người lớn lựa chọn khi  đứng trước nghịch cảnh không chỉ để lại tiếc nuối, xót xa, mà còn khiến chúng ta giật mình vì cách mình đang vun đắp, hình thành tâm thế cho con trẻ khi chúng đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời.