Khan hiếm bãi đỗ xe, tài xế nhắm mắt… đậu liều

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện nay hệ thống giao thông tĩnh mới chỉ đạt khoảng 20% so với tổng diện tích được quy hoạch, con số này còn quá xa với đối với nhu cầu của hơn 10 triệu dân thành phố.

Tình trạng khan hiếm bãi đỗ xe khiến cánh tài xế ngày càng vất vả hơn để kiếm được một chỗ đậu, nhiều khi bất đắc dĩ phải “nhắm mắt” đậu liều, do không có lựa chọn nào khác.

“Kiếm một bãi đậu xe thì vất vả lắm nhiều khi đi đường này mà không có chỗ đậu thì kiếm đường khác, nói chung chạy vòng vòng, vòng vòng”

“Mình đi kiếm chỗ đậu xe khó lắm, chỗ cấm dừng cấm đậu tùm lum hết thì mình kiếm hơn khó.”

Rất nhiều than phiền của cánh tài xế ngành dịch vụ khi phải loay tìm bãi đậu xe tại các quận trung tâm ở TP.HCM.

Khảo sát một số tuyến đường nội đô như đường Tôn Thất Đạm (quận 1), đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), đường Trần Nhân Tôn, quận 5 … phóng viên ghi nhận, điểm chung ở những tuyến phố này là hàng loạt xe dừng đỗ dưới lòng lề đường để đón trả khách và hoặc tài xế nghỉ ngơi.

Anh Trần Thanh Tùng làm nghề lái taxi hơn 10 năm tại TPHCM cho biết, ngoài tầng hầm trung tâm thương mại có thể đỗ, thì để tìm một bãi gửi xe thì vô cùng gian nan. Mặc dù  biết dừng đỗ không đúng nơi quy định là vi phạm, nhưng anh Tùng nhiều khi… không còn lựa chọn nào khác: “Nói chung là trung tâm quận 1 mà ban ngày thì hầu như là một mình phải ngồi trên xe mình nháy đèn, còn hai là mình phải kiếm trung tâm thương mại mình chui vô thôi. Chứ còn đậu trên đường nhiều khi hay bị phạt nguội.”

Ôtô đậu 2 bên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP.HCM), chiếm dụng gần hết lối đi. Ảnh: Người lao động

Tình trạng thiếu bãi đậu xe tại các quận trung tâm TP.HCM không chỉ làm đau đầu của người cầm lái, mà còn ảnh hưởng và gây sự ức chế đối với nhiều người dân sống hai bên đường, do ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và việc buôn bán của các hộ kinh doanh:

"Mình bán được cơm chỉ nhờ có buổi trưa thôi mà đậu vậy là đậu luôn khách vô ra đâu có được".

"Khi mà đang chạy xe mà gặp mấy chiếc xe mà đỗ ngoài đường như vậy dễ gây ùn tắc, kẹt xe".

Để giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe, TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng 4 bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư và Sân khấu Trống Đồng, mục tiêu đáp ứng khoảng 6.000 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên sau 15 năm, có dự án đã bị thu hồi, số còn lại vẫn nằm trên giấy.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giải pháp xây dựng bãi giữ xe ngầm tại công viên là chưa ổn, gây lãng phí ngân sách. Trong khi các công trình công cộng mới đây và những hộ kinh doanh lớn nhỏ hiện nay khi đưa vào hoạt động lại không đáp ứng đủ diện tích bãi đỗ xe:

“Ở các nước là khi mà mình muốn xin cấp phép mở một nhà hàng, mở một siêu thị, thì nó yêu cầu những tiêu chí về bãi xe rất nghiêm ngặt, và anh phải đảm bảo được là anh phải có bãi giữ xe tốt, hoặc là anh phải chứng nh được là anh thuê ở một đơn vị nằm trong bán kính là 10 phút đi bộ, 500m đến cơ sở của mình, đủ lượng xe chocơ sở của mình. Chuyện này hiện giờ TP.HCM mình hình như chưa có làm, thành ra sắp tới thì mình nên có bước này", KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc điều chỉnh công viên làm bãi đỗ xe ngầm còn nguy hiểm ở chỗ, sẽ dẫn đến tình trạng úng ngập, thậm chí sụt lún do bê tông hóa làm cản trở qúa trình thẩm thấu và thoát nước tự nhiên. Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt chẽ tiêu chí đảm bảo diện tích bãi đỗ xe ở mỗi công trình, hộ kinh doanh lớn nhỏ trước khi cấp giấy phép hoạt động.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay với “bài toán” giao thông tĩnh, thì người dân TP.HCM vẫn “đỏ mắt” tìm chỗ dừng đỗ mỗi khi vào trung tâm, và “cuộc chiến” giành chỗ đỗ xe chưa biết khi nào mới có hồi kết.