Indonesia xử phạt phương tiện không kiểm tra hoặc không vượt qua bài kiểm tra khí thải

Ô nhiễm không khí hiện đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà thủ đô Jarkata của Indonesia đang phải đối mặt. Để cải thiện tình hình, chính quyền thành phố này sắp tới sẽ xử phạt những phương tiện không vượt qua bài kiểm tra khí thải.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Từ năm 2022, các phương tiện không làm hoặc không vượt qua bài kiểm tra khí thải tại Jakarta, Indonesia sẽ bị phạt. Ảnh: 1News

Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2020 của hãng IQAir cho thấy, Jakarta là thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng thứ 9 thế giới xét về nồng độ bụi mịn PM 2.5. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của việc tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm của thành phố này. Hiện ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 3.700 ca tử vong sớm mỗi năm tại Jakarta.

Con số được dự báo tăng lên tới 22.100 ca vào năm 2050. Ô nhiễm không khí cũng làm giảm 2 năm trung bình tuổi thọ của người dân thành phố này.

Do đó, trong những nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí, chính quyền thành phố Jakarta vừa thông qua Quy định mới liên quan đến việc kiểm tra khí thải của các phương tiện cơ giới. Các phương tiện không vượt qua bài kiểm tra khí thải sẽ bị phạt tiền từ 250 – 500 nghìn rupiah, tức khoảng 400 – 800 nghìn VNĐ. 

Việc áp dụng quy định mới được công bố khởi động lại vào ngày 5/11 năm nay, dự kiến có hiệu lực vào 1 tuần sau đó. Hầu hết người dân ủng hộ quy định mới, nhưng đồng thời cho rằng quy trình áp dụng quá bất ngờ:

“Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của thành phố. Nhưng đột nhiên họ bảo chúng tôi phải thực hiện kiểm tra khí thải phương tiện, nếu không qua hoặc không làm đều bị phạt. Mọi thứ có vẻ hơi vội vã”.

“Tôi thấy mức phạt có vẻ hơi nặng đối với người đi xe máy. Tuy nhiên, nếu là để cho môi trường thành phố được cải thiện thì tôi ủng hộ việc xử phạt.”

Trước phản ánh này, giới chức đã lùi thời gian áp dụng xử phạt sang đầu năm 2022. Thực tế, quy định này đã được công bố vào hồi tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid mà quy định tạm thời bị hoãn. Chưa kể theo chính quyền thành phố, dù quy định đã có nhưng trước đó rất ít người thực hiện bài kiểm tra. Thống kê cho thấy trước công bố vào tháng 11 vừa qua, chỉ có khoảng 10-15% phương tiện thực hiện kiểm tra khí thải. Do đó, theo ông Slamet Riyadi (Sla-mét Ri-ya-đi), người đứng đầu đơn vị phía tây, cơ quan môi trường thành phố Jakarta, cần áp dụng biện pháp mạnh để người dân có ý thức hơn:

“Do nhận thức của một bộ phận người dân tại thành phố vẫn chưa cao, nên tôi thấy cần áp dụng xử phạt để khiến họ buộc phải đem phương tiện đi kiểm tra. Như việc áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm vậy, ban đầu cần phải bắt buộc, sau đó dần nó sẽ trở thành thói quen, thành nhu cầu bức thiết. Đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới”.

Trước đó, theo hãng tin Reuters vào giữa tháng 9, các thẩm phán tòa án quận trung tâm Jakarta đã tuyên bố Tổng thống Joko Widodo cùng các bộ y tế, môi trường, nội vụ và các cơ quan chức năng đã không làm đúng trách nhiệm liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí.

Hiện khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Jakarta. Theo con số thống kê vào năm 2020, Jakarta có 20,2 triệu phương tiện, trong đó 80% là xe máy, tức là khoảng hơn 16,1 triệu xe. Còn lại là 3,36 triệu ô tô và 680 nghìn xe tải.

Theo các chuyên gia, các giải pháp nhắm vào phương tiện giao thông để cải thiện tình hình không khí của Jakarta là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, các giải pháp cần đồng bộ và có định hướng rõ ràng để có tác dụng lâu dài. Ông Dwi Sawung, chuyên gia quản lý chiến dịch, trung tâm điều hành quốc gia về đô thị và năng lượng Indonesia chia sẻ:

“Tôi hi vọng rằng các giải pháp sẽ có hiệu quả, ít nhất là với một số khu vực cụ thể. Chính quyền có thể áp dụng thí điểm tại một số khu vực có tỉ lệ ô nhiễm cao trước để có kết quả nhãn tiền cũng như kinh nghiệm trước khi áp dụng cho toàn thành phố”.

Còn tại Việt Nam, theo Tổng cục Đường bộ, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra còn nhiều hơn cả ô nhiễm từ các khu công nghiệp.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, với khoảng 7,3 triệu xe gắn mà và hơn 600.000 ô tô, mỗi ngày chỉ cần tiêu thụ hết 0,5 lít xăng (đối với xe gắn máy) và 1 lít xăng – dầu (đối với ô tô), thì một ngày tiêu tốn khoảng hơn 4 triệu lít nhiên liệu. Còn tại Hà Nội, với khoảng 6 triệu phương tiện giao thông nên lượng khí thải xả ra môi trường cũng rất lớn.

Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, không chỉ kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy, mà cũng cần siết chặt kiểm soát đối với ô tô. Đối với ô tô hiện nay, việc kiểm soát khí thải đã được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm phương tiện.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như các bộ ngành liên quan cũng cần xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải xe ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó cũng phải đẩy nhanh các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, điều tiết giao thông thông thoáng, để không còn cảnh kẹt xe, giảm thời gian xe kẹt cứng trên đường.