Hướng dẫn Luật quản lý thuế: Còn nhiều băn khoăn

Nghị định 126/2020 của Chính phủ về hướng dẫn Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 5/12. Đây có thể coi là “công cụ” đắc lực trong quản lý thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube..., góp phần ngăn chặn trốn thuế. Tuy nhiên, tính khả

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Shipper giao hàng mua online cho khách trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện nay có 3 nhóm lớn, gồm: Người bán hàng online; Người có thu nhập thông qua hoạt động viết ứng dụng, trò chơi và từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử.

Hơn nữa, giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng Internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Đây thực sự là thách thức cho ngành thuế trong quản lý thuế đối với các nhà mạng nước ngoài.

Trước thực tế này, Nghị định 126 được ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày mai.

Theo đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Ngoài ra, các ngân hàng có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn đối với các khoản thu nhập từ các giao dịch điện tử phát sinh từ Google, Facebook, YouTube...

Tuy vậy, vẫn không ít người tỏ ra băn khoăn: "Có nhiều giao dịch bản thân khách hàng cũng không mong muốn cung cấp ra bởi vì các giao dịch ý nó rất riêng tư. Truy thu kiểu này nếu không làm chặt chẽ thì không giải quyết được nhiều vấn đề mà đôi khi lại tạo ra kẽ hở, lợi dụng việc có những thông tin khách hàng đó".

"Những thông tin mà cung cấp cho cơ quan thuế chưa chắc đã an toàn nên mình cũng có lo lắng, hacker vẫn có thể hack được thông tin của mình".

Hoạt động mua bán online diễn ra ngày càng sôi động

Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng TP. Hà Nội đã có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân nhận được 1.462 tỷ đồng từ Google và Facebook, Youtube. Thế nhưng, đến nay cơ quan thuế mới chỉ thu được 14 tỉ đồng tiền thuế.

Việc quản lý và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số hiện nay của Việt Nam được xem là còn nhiều khó khăn, bất cập.

Chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định: “Vấn đề này tương đối khó. Không riêng với Việt Nam chúng ta mà còn khó với cả nhiều nước khác, kể cả những nước đã phát triển mà mong muốn thu được thuế từ những tập đoàn như Google, Facebook, Amazon hay Youtube như thế này. Bởi vì việc định hình bản chất hay nguồn gốc của những giao dịch đó không phải là dễ dàng. Đặc biệt trên nền tảng điện tử hoặc thanh toán số.”

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng bày tỏ lo ngại, nếu cho phép ngân hàng khấu trừ thuế ngay trên tài khoản khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân. Hơn hết, việc này sẽ khiến nhiều người không dám thanh toán, giao dịch qua ngân hàng mà quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Điều này đi ngược lại với chính sách khuyến khích người dân hạn chế không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đưa ra mấy năm nay.

“Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì việc thanh toán không dùng tiền mặt cần phải được phát triển. Đó là một xu thế không thể đảo ngược. Nhưng bên cạnh đó, phải xem xét, quy trách nhiệm rất rõ ràng. Tránh hiện tượng khi cơ quan thuế đã nhận được thông tin, những dữ liệu quan trọng đối với chủ tài khoản đó thì ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lợi của họ. Thậm chí họ sẽ bị thất thoát rất lớn”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.

Để Nghị định 126 được thực hiện một cách hiệu quả, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, thực tế, dữ liệu thông tin tài khoản cá nhân rất đồ sộ nên cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại cần phải có sự chọn lọc, tính toán kỹ lưỡng trong việc cung cấp thông tin của khách hàng:

“Cơ quan thuế và ngân hàng cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất về đối tượng cụ thể cần phải cung cấp, cung cấp khi nào, cung cấp thông tin gì, giữ bí mật ra làm sao. Sau đó một quá trình rà soát rồi mới đến việc thanh toán nghĩa vụ thuế đó của cá nhân, tổ chức hay không. Rõ ràng, câu chuyện này cần phải được truyền thông, tập huấn, đào tạo trong nội bộ cán bộ thuế, cũng như các bên có liên quan, để đảm bảo thông tin cung cấp được an toàn và bảo mật cho khách hàng.”

Đặc biệt, người nộp thuế cần hết sức lưu ý khi mở và sử dụng tài khoản ngân hàng. Với các khoản chuyển tiền và nhận tiền cần ghi rõ mục đích trong từng giao dịch, tránh trường hợp bị hiểu nhầm tất cả đều là thu nhập được nhận, nhất là những trường hợp sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền ủng hộ, đóng góp, từ thiện.

Ngoài ra, phải kê khai quyết toán thuế đầy đủ, đúng hạn để tránh trường hợp bị truy thu, tính tiền chậm nộp.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: