Bình luận về vấn đề này, nhà báo Phạm Trung Tuyến gọi tên Hội chứng thù ghét đồng loại.
Sau vụ tưới xăng đốt quán cafe hát cho nhau nghe ở Bắc Từ Liêm, nhiều người bạn tôi nói rằng họ mất ngủ khi xem clip kẻ thủ ác vừa cười, vừa nói về hành động man rợ của hắn. Họ không thể hiểu được vì sao hắn lại có thể thản nhiên như vậy khi vừa gây ra cái chết cho rất nhiều người, dù không có mâu thuẫn với tất cả nạn nhân.
Nhưng tôi nghĩ, với những kẻ như vậy, bất cứ ai, ễn là con người, đều có thể là kẻ thù tiềm năng.
Kẻ đốt quán ở Bắc Từ Liêm, hay cô bé 15 tuổi xả súng ở trường học tại Mỹ mấy hôm trước, về bản chất không khác gì nhau. Giết những con người không trực tiếp mâu thuẫn với mình, tiện tay là giết, là bởi đối với những kẻ sát nhân đó có chung nỗi thất vọng đối với đồng loại.
Có thể nguyên nhân cụ thể dẫn đến nỗi thất vọng của chúng khác nhau, nhưng kết quả nhận thức của chúng hẳn đều quy về một mối. Con người nói chung đều tồi tệ, và không đáng sống, kể cả chính bản thân chúng. Vì thế mà chúng không bận tâm về khả năng trả giá.
Thản nhiên chờ sự trừng phạt, hoặc tự sát sau khi gây án. Chúng có bệnh, căn bệnh thù ghét đồng loại. Và tôi nghĩ, căn bệnh đó hiện khó phổ biến, dù mức độ khác nhau.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây chỉ ra gần 20% thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chủ yếu là trầm cảm. Và một biểu hiện của triệu chứng trầm cảm là không muốn giao tiếp, một cách nói khác của việc né tránh đồng loại. Từ né tránh đến thù ghét là một bước ngắn thôi. Vấn đề là tại sao lại thế?
Sự bùng nổ về phương tức biểu đạt và các công cụ giao tiếp ảo hiện nay có lẽ là một nguyên nhân. Bởi vì nó tạo điều kiện để thế giới loài người có thể dễ dàng phơi bày sự xấu xa.
Những nguyên thủ quốc gia thoải mái ra lệnh ném bom vào dân thường ở quốc gia khác để tiêu diệt kẻ thù, dù nạn nhân phần lớn là những người vô tội.
Những chính trị gia tiêu chuẩn kép, không ngại ngùng khi thay đổi tiêu chuẩn đạo đức để phù hợp lợi ích.
Bê bối tình dục, tài chính của các tổ chức phát triển, của những nhân vật công chúng…
Những câu chuyện đạo đức giả xuất hiện, lộ diện hàng ngày trên khắp thế giới và tin tức lan toả không giới hạn. Bằng cách này, hoặc cách khác, cảm giác về sự giả dối, ác độc của con người trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của rất nhiều người, khiến họ từ từ ngộ độc, để rồi nhận thức về con người mỗi ngày một tồi tệ hơn.
Khi chứng kiến một câu chuyện tội ác rùng rợn. Có thể chúng ta ngạc nhiên, sửng sốt, kinh hãi. Nhưng nếu nghĩ cho kỹ, quan sát cho kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng sự thù ghét, độc ác xung quanh ta quá đỗi phổ biến. Dù mức độ khác nhau nhưng về bản chất thì vẫn thế.
Không khó để chúng ta có thể gặp rất nhiều lời lẽ độc ác, bẩn thỉu dành cho nhau trên mạng chỉ vì bất đồng vớ vẩn nào đó. Họ tấn công nhau dù không hề quen biết, vì những khác biệt về một câu chuyện vu vơ, như khi nhận xét về một bộ phim, hay một món ăn, hoặc là một nhân vật giải trí nào đó.
Những lời lẽ độc ác dành cho người không liên quan đến mình, tôi nghĩ, cũng không khác gì tưới xăng đốt một cái quán giết đi những nhân mạng không thù không oán. Có thể, mức độ hậu quả khác nhau, nhưng bản chất vẫn thế.
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều sự thù ghét, và dễ dàng trở nên ác độc. Đó là điều không thể tránh được khi mà chúng ta quá dễ để chán ghét nhau và quá dễ dàng để thể hiện sự đáng ghét của mình./.