Hậu COVID-19: Thiếu phi công trầm trọng

Thời điểm này, nhiều hãng hàng không đang tăng tốc chương trình huấn luyện, thậm chí ‘nhòm ngó’ ra nước ngoài để tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt phi công hiện là vấn đề toàn cầu và khó có thể giải quyết trong ‘một sớm, một chiều’.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Ít nhất 27 chuyến bay đã bị hủy trong buổi sáng nay. Chúng tôi mệt mỏi vì chờ đợi nhưng dường như chẳng có ai chịu trách nhiệm”.

“Khi tôi hỏi các nhân viên ở quầy thủ tục vì sao chuyến bay của mình bị hủy, thì họ bảo rằng không hay biết gì về điều này”

Đó là chia sẻ của một số hành khách trong lúc chờ đợi các chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines. Cuối tháng 4 vừa qua, hàng chục nghìn người đã bị mắc kẹt tại các sân bay khi hàng loạt chuyến bay của Alaska Airlines bị hoãn, hủy vì thiếu phi công.

Đại diện hãng hàng không sau đó lên tiếng xin lỗi những ‘khách hàng thân thiết’, đồng thời thừa nhận, tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến hãng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhu cầu đi lại tăng đột biến thời gian gần đây.

Alaska Airlines cho biết, đã đạt mục tiêu tuyển dụng 200 phi công cho các chuyến bay chặng ngắn, nhưng mới chỉ thuê được một nửa trong tổng số 600 phi công dự định bổ sung cho các tuyến đường dài.

Alaska Airlines phải hoãn, hủy nhiều chuyến bay do thiếu hụt nhân sự

Thực tế, ‘cơn khát’ phi công không chỉ là vấn đề của riêng Alaska Airlines. Nhiều hãng hàng không Mỹ dự báo, mùa du lịch Hè sắp tới có thể mang lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt phi công khiến họ không thể tăng cường lịch bay giữa lúc nhu cầu đi lại bật dậy nhanh chóng.

Ông Scott Kirby, Giám đốc điều hành United Airlines bày tỏ: “Thiếu phi công đang là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Hầu hết các hãng bay sẽ không thể thực hiện các kế hoạch tăng chuyến vì không có đủ số lượng phi công cần thiết, ít nhất là trong vòng 5 năm tới”

Làn sóng cắt giảm nhân sự trong thời kỳ hàng không suy thoái đầu năm 2020 khiến các hãng bay không kịp trở tay chuẩn bị trong giai đoạn phục hồi. Ông Ben Minicucci, Giám đốc điều hành Alaska Air Group cho rằng, đây sẽ là cản lực rất lớn đối với triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt phi công hiện là vấn đề toàn cầu và khó có thể giải quyết trong ‘một sớm, một chiều’ - Ảnh Nbc

Theo Cục thống kê lao động Liên bang Mỹ, sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, có hơn 10.000 phi công đã rời bỏ ngành hàng không. Trong vòng 8 năm tới, các hãng bay cần thuê trung bình 14.500 phi công mỗi năm, mới có thể đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây thực sự là con số ‘không tưởng’ bởi chẳng thể kiếm đâu được số lượng phi công nhiều như vậy.

Thực tế tại Trường dạy bay ATP (Airline Transport Pilot), lớn nhất nước Mỹ, mỗi học viên phải trải qua chương trình đào tạo kéo dài 7 tháng, với chi phí gần 92.000 USD, mới có được giấy phép ban đầu. Sau đó, phi công sẽ mất 18 tháng hoặc lâu hơn để tích lũy đủ số giờ bay cần thiết.

Ông Jonathan Maneval, Giám đốc điều hành công ty Dịch vụ hàng không Mia cho biết: “Tình trạng thiếu hụt phi công có nhiều nguyên nhân. Một phần do nghỉ hưu sớm, một phần do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, việc đào tạo phi công mới lại tốn rất nhiều thời gian”

Theo ông Maneval, có một giải pháp ít tốn kém và ngắn hạn hơn, đó là gọi lại những phi công, bị buộc nghỉ hưu ở tuổi 65 theo quy định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), trở lại làm việc.

Ủng hộ quan điểm trên, ông Rich Siler, cựu phi công của Delta Airlines, người có 35 năm kinh nghiệm bay chia sẻ: “Chúng tôi buộc phải nghỉ hưu trong khi vẫn còn sức khỏe. Điều này thật phi lý”

Được biết, một số nhà lập pháp Mỹ có thể đang xem xét điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu của phi công từ 65 lên 67. Trong khi chờ đợi quy định mới, thời điểm này, giải pháp được nhiều hãng hàng không đưa ra là tăng tốc chương trình huấn luyện để sớm có được lực lượng phi công cần thiết.

Tuy nhiên, mới đây American Airlines bị chính Hiệp hội phi công của hãng này kiện ra tòa vì ép phi công đi làm vào ngày nghỉ, để tham gia khóa huấn luyện giả lập cho phi công đường dài.

Trong khi đó, xoay sở với tình trạng thiếu phi công, một số hãng hàng không giá rẻ như Breeze Airways hay SkyWest đang phải ‘nhòm ngó’ ra các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Australia, để tuyển dụng nhân sự.

Tại Việt Nam, đại diện hãng hàng không Vietravel Airlines mới đây cho biết, dự báo trong năm nay, nhân lực hàng không trong nước sẽ trở lại khan hiếm và xuất hiện hiện tượng cạnh tranh nguồn nhân lực, điều này sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho kế hoạch mở rộng đội ngũ chất lượng cao của hãng.

Vietravel Airlines thông tin, hãng đang tìm thêm phi công cho dòng Airbus A320, cùng số lượng lớn tiếp viên hàng không. Tương tự, Vietjet Air cũng đang thông báo tuyển cơ trưởng, cơ phó cho các dòng máy bay Airbus A320F và A330 đến hết năm nay.