Hành khách ngại xa, nhà xe kêu khó trước ngày dời Bến xe Miền Đông

Chỉ ít ngày nữa, 75 tuyến xe khách liên tỉnh với khoảng 1700 phương tiện lớn nhỏ khác nhau sẽ được chuyển từ Bến xe Miền Đông cũ sang vị trí mới cách đó khoảng hơn 15km. Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo vắng khách, ít hàng, đường sá xa xôi, giao thông kết nối chưa hoàn thiện….

9h sáng ngày 6/10, không khí bên trong lẫn bên ngoài Bến xe Miền Đông cũ ( quận Bình Thạnh, TPHCM) rất sôi động. Nếu như tại các cổng, hành khách và người dân người ra vào tấp nập thì bên trong bến, hàng trăm phương tiện cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng cho những chuyến khởi hành mới.

Khi được hỏi về cuộc di dời Bến xe sau vài ngày nữa, nhiều hành khách cho biết:

"Đi hơi xa một tí, với nhiều người ở các quận xa thì bất tiện, đi gracb mất thêm mấy chục thì cũng không ảnh hưởng nhiều nhưng được cái giải quyết được vấn đề kẹt xe trong này. Mỗi lần quay ra quay vào là kẹt xe tuyến đường này ghê gớm lắm"

"Chú ở thị xã Chơn Thành Bình Phước, cũng hay đi đi lại lại Sài Gòn, nếu phải chuyển về bến mới thì không thuận tiện, hơi tréo đường đi"

"Sẽ có bất lợi nhiều, cần có những biện pháp để khắc phục thay vì khách trực tiếp ra lấy hàng thì nên có dịch vụ gửi hàng về tận nhà". 

Hơn 1 tháng nay, ông Bùi Văn Hải (50 tuổi) và nhiều tài xế, phụ xe của nhà xe An Sinh chuyên tuyến Bến xe Miền Đông – Hải Dương làm việc trong tâm trạng lo lắng vì viễn cảnh hành khách, hàng hóa sẽ giảm sút khi dời sang điểm mới: "Khách xá đi lại, hàng hóa người ta lấy gửi ở đây cũng quen rồi giờ mà di dời ra ngoài kia thì sẽ khó khăn một chút. Bà con đi lại cũng sẽ bất tiện vì quãng đường khoảng 20km, riêng gửi thùng hàng như vầy thì rất khó khăn. Mong làm sao cấp trên xem xét lại nhưng mọi thứ cũng sẽ tuân thủ theo quy định của nhà nước".

Những ngày qua, anh Nguyễn Văn Lê cùng nhiều tài xế và phụ xe của nhà xe Liên Hưng (tuyến TPHCM – Nha Trang) có phần e ngại trước nguy cơ thất nghiệp: "Khỏi nói luôn, khóc luôn chứ, doanh nghiệp đổ biết bao nhiêu tiền giờ ra đó khách đâu ra, hàng hóa cũng không ai ra đó gửi. Giờ công ty cũng chưa biết đi về đâu, nếu ra đó thì họ phải giảm nhân sự, như vậy thì anh em thất nghiệp nhiều nữa".

Ông Bùi Công Túc – quản lý điều hành của nhà xe Phi Hiệp ( tuyến TPHCM – Đà Nẵng) khẳng định với 5 tuyến xe buýt đang hoạt động tại bến mới như hiện nay thì chắc chắn hành khách nhất là hành khách ền Trung sẽ gặp khó:

"Khó khăn chồng chất khó khăn, đường sá xa xôi xe buýt chưa có nhiều lại không chở hành lý cho khách. Người ền Trung đi về có cái thùng xốp cái can mủ mang theo mà mấy cái này xe buýt không chở, xe ôm thì xa xôi, taxi thì nhiều tiền, trong này đi máy bay sướng hơn. Phải dẹp hết toàn bộ xe dù trong thành phố thì may ra mới sống nổi".

Anh Đào Mạnh Trường –nhà xe Phượng Hoàng cho biết hiện nay công ty đang vận hành 5 xe khách giường nằm tuyến Bến Xe Miền Đồng – Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), mỗi xe hoạt động với tần suất 4 chuyến/tháng, với chi phí bình quân khoảng 60 triệu đồng/chuyến/xe. Theo tiên đoán của anh Trường, khi dời ra địa điểm mới chắc chắn thu không đủ bù chi:

"Anh không chống đối nhưng không có hàng không có khách, nếu như mọi thứ như xe buýt, metro thông thương hết , tiện đường sá cho người ta đến thì mình còn sống được. Ra đó mà không có gì, mang xe phơi nắng thì chết dở, cái này không dần dần được, không có tiền bù lỗ, mỗi chuyến mà bù lỗ 50 triệu thì không sống nổi, chắc phải để xe ở nhà không chạy nữa".

Ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng chủ trương di dời đã có từ hơn 1 năm nay, các đơn vị chức năng thay vì thực hiện ngay 1 lúc thì đã tiến hành theo từng giai đoạn song song với việc hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối.

Trước những tâm tư, trăn trở của hành khách, lái xe và đại diện các doanh nghiệp vận tải hành khách thuộc diện phải di dời từ bến xe Miền Đông cũ sang địa điểm mới, ông Hưng cho biết thêm: "Sẽ kiên quyết hạn chế và đi đến dẹp được nạn xe dù bến cóc, cái nữa là tăng cường các tuyến xe buýt để kết nối thuận lợi, đối với doanh nghiệp cần có chính sách thu hút khách từ giá vé, hậu mãi…."