Hành khách đi máy bay có thể bù đắp lượng khí thải carbon

Sân bay Changi ở Singapore cho phép hành khách tính toán lượng khí thải carbon dựa trên điểm khởi hành, điểm đến và hạng di chuyển trên trang web hoặc ứng dụng của Sân bay Changi và tùy chọn bù đắp lượng khí thải bằng cách thanh toán cho các dự án phát triển bền vững.

Sân bay Changi ở Singapore cho phép hành khách tính toán lượng khí thải carbon dựa trên điểm khởi hành, điểm đến và hạng di chuyển. Ảnh: CNA

Theo sáng kiến Changi Carbon Offsets, hành khách có thể sử dụng công cụ tính lượng carbon trên trang web của Sân bay Changi và Ứng dụng Changi để tính toán lượng khí thải carbon từ các chuyến bay. Sau đó, họ sẽ được cung cấp tùy chọn bù đắp lượng khí thải từ hành trình của mình và sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán.

Ví dụ một hành khách thực hiện chuyến bay khứ hồi ở hạng phổ thông từ Sân bay Changi đến Sân bay Haneda của Tokyo có thể phải trả 14,30 đô la Singapore (khoảng 253.000 VNĐ) để bù đắp 1.015kg khí thải carbon dioxide.

Hay hành khách bay trên chuyến bay hạng phổ thông giữa Singapore và Kuala Lumpur có thể trả 1,11 USD (khoảng 60.000 VNĐ) để bù đắp khoảng 60 kg khí thải carbon, dựa trên tính toán của CAG.

Đối với chuyến đi đến và đi từ New York, một hành khách hạng phổ thông có thể bỏ ra 48,18 USD (khoảng 1,16 triệu VNĐ) để bù đắp khoảng 3.470kg khí thải.

Một đại diện của sân bay cho biết: Sáng kiến này là bước đi mới nhất nhằm giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon bằng cách hỗ trợ các dự án phát triển bền vững.

Hợp tác với Carbon Click, một công ty bù đắp carbon có trụ sở tại New Zealand, Tập đoàn Sân bay Changi đã chọn một số dự án bù đắp carbon mà hành khách có thể đóng góp, bao gồm một dự án bảo tồn rừng ở Indonesia để bảo vệ đười ươi, dự án trồng 120 triệu cây bản địa ở Quý Châu, Trung Quốc cũng như việc thay thế việc sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng sản xuất điện gió ở Koppal, Ấn Độ.

Audrey Lee, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Sân bay Changi cho biết: “Changi Carbon Offsets mang đến cho hành khách cơ hội bù đắp lượng khí thải carbon từ các chuyến bay, bằng cách hỗ trợ các dự án đã được quốc tế xác nh sẽ có lợi cho môi trường. Để thể hiện cam kết đối với việc di chuyển bằng đường hàng không có lượng khí thải thấp hơn, Tập đoàn Sân bay Changi sẽ mua các khoản bù đắp carbon cho tất cả các chuyến công tác của nhân viên trong tương lai".

Ảnh: Straitstimes

Đây không phải là lần đầu tiên những nỗ lực bù đắp lượng carbon như vậy được các sân bay áp dụng.  

Sân bay London Heathrow ở Anh và sân bay Rotterdam The Hague ở Hà Lan đã cho phép hành khách bù đắp lượng khí thải carbon trong chuyến bay bằng cách mua nhiên liệu máy bay thân thiện với môi trường kể từ năm 2021.

Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines, từ năm 2021 đã có chương trình bù đắp carbon hỗ trợ các dự án môi trường như bảo tồn rừng nhiệt đới và xây dựng các dự án năng lượng mặt trời trên khắp Ấn Độ.

Ông NG Chin Hwe, đại diện hãng Singapore Airlines cho biết: Hãng đang hướng tới sự bền vững, bằng cách mua máy bay tiết kiệm nhiên liệu và tăng cường các sáng kiến trên máy bay. “Tất cả những máy bay mới của chúng tôi so với những chiếc máy bay trước đó có thể tiết kiệm 25-30% nhiên liệu cũng như sử dụng loại nhiên liệu cho máy bay hiệu quả và bền vững hơn”.

Được biết, hiện có hơn 50 hãng hàng không cung cấp tùy chọn mua bù đắp lượng khí thải carbon thông qua giá vé.

Chiếm 2% lượng khí thải carbon do con người tạo ra, ngành hàng không toàn cầu đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Từ năm 2027, theo Chương trình bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế, tất cả các chuyến bay quốc tế cần phải đáp ứng các yêu cầu bù đắp cụ thể, trong đó bao gồm việc giảm lượng khí thải vĩnh viễn.

Theo số liệu từ Nhóm Hành động Vận tải Hàng không, chỉ có 1% đến 3% hành khách đi máy bay thực hiện việc đền bù carbon tự nguyện tính đến tháng 11 năm 2020.

Về vấn đề này, ông Mark Manduca, Giám đốc điều hành Ngân hàng Citibank nêu ý kiến: “Tôi cho rằng các nước chưa thực sự xem xét vấn đề bù đắp lượng khi thải carbon ở mức độ phù hợp. Tất cả chúng ta đều nói về việc trung hòa carbon nhưng khi bạn nhìn vào số lượng người tiêu dùng và doanh nghiệp thực sự bù đắp carbon, bạn sẽ thấy rằng con số này nhỏ đến mức đáng ngạc nhiên, 1% người tiêu dùng toàn cầu thực sự đang bù đắp carbon cho các chuyến bay của họ. Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo để giải quyết vấn đề này”.

Ảnh: CNA

Trong khi đó, Phó giáo sư Johan Sulaeman, Giám đốc Viện Tài chính Xanh và Bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết sáng kiến của Sân bay Changi là kịp thời, nhưng thừa nhận rằng việc bù đắp carbon tự nguyện chỉ là giải pháp tạm thời.

Mặc dù những khoản bù đắp này cho phép đóng góp vào nỗ lực giảm lượng khí thải carbon toàn cầu trong thời gian ngắn, nhưng ngành hàng không cần tiếp tục đổi mới công nghệ để cắt giảm lượng khí thải với tốc độ nhanh hơn và đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính về lâu dài.

Về tỷ lệ tham gia của hành khách, ông Sulaeman lưu ý rằng thế hệ trẻ nhạy cảm hơn với những lo ngại về khí hậu, do đó họ có nhiều khả năng tham gia hơn vào việc đóng góp bù đắp lượng khí thải carbon.

Giáo sư Sulaeman cho rằng việc bù đắp lượng carbon phải được thực hiện bắt buộc và được bao gồm trong giá vé, vì điều này sẽ khuyến khích hành khách đi máy bay hiểu rõ hơn về tác động của lượng khí thải carbon trong chuyến đi của họ.

Còn tại Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Việt Nam Airlines) cho biết, từ năm 2018, hãng đã đưa vào áp dụng giải pháp lăn một động cơ để giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải cho cả 3 đội bay của hãng, kết quả đã giảm tiêu hao nhiên liệu, giúp cắt giảm phát thải hơn 4000 tấn CO2.

Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp này phải thỏa mãn các điều kiện liên quan từ tàu bay, sân bay, những quy định của nhà chức trách. Đại diện hãng khẳng định vẫn tiếp tục áp dụng và tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm nhiên liệu tiêu thụ và giảm CO2 trong hoạt động hàng không.