Hàng không kỳ vọng gì khi Trung Quốc mở cửa

Việc Trung Quốc từng bước chuyển sang giai đoạn ‘sống chung với Covid’ được xem là tin vui đối với du lịch thế giới, đặc biệt là hàng không.

Một máy bay chở khách của Air China đậu tại Sân bay Frankfurt, Đức, sau khi đến từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên - Ảnh ALLIANCE/DPA/AP

Xiongjie Dai, một kỹ sư phần mềm tự do sống ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc đang mơ về chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của mình sau COVID-19.

Người đàn ông 32 tuổi cho biết, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand hay Australia sẽ ‘xếp hạng cao’ trong danh sách những điểm đến sắp tới của anh.

Tuy nhiên, do đặc thù công việc Xiongjie vẫn muốn được đến Mỹ ngay khi có cơ hội: “Khi đủ tiền, tôi muốn đến nước Mỹ. Mỹ dẫn đầu cả về khoa học máy tính cũng như công nghệ thông tin nên tôi muốn thăm Thung lũng Silicon và các trường đại học nổi tiếng như MIT hay Stanford” 

Thực tế, Xiongjie không phải công dân Trung Quốc duy nhất hy vọng được đi du lịch nước ngoài sau khi quốc gia tỷ dân dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch nhập cảnh và đang cấp lại hộ chiếu.

Anthony Chan, một cư dân Hong Kong vừa đến đại lục để dự đám cưới người anh họ, than thở về khoảng thời gian đã mất khi gặp lại những người thân yêu.

Chàng trai 18 tuổi cho biết, không thể gặp gia đình của mình ở bên kia biên giới trong vòng 3 năm giữa những hạn chế do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt: “Những hạn chế khiến chúng tôi mệt mỏi trong vài năm qua. Không phải chúng tôi ngại đi lại do sợ COVID-19 mà sợ chính sách này. Nhưng bây giờ các thủ tục đã đơn giản hơn nhiều, bạn sẽ không cần cách ly mà có thể trở lại cuộc sống bình thường ngay khi máy bay hạ cánh”

Theo dữ liệu từ Trip.com, trang web du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, lượng người dân đặt chuyến bay quốc tế đã tăng hơn 250% vào cuối tháng 12/2022, chỉ một ngày khi chính phủ Trung Quốc thông báo các hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng kể từ ngày 8/1/2023.

Bà Jame Sun, Giám đốc điều hành Trip.com nhận định, thị trường khách khổng lồ trong nước, cùng lượng Hoa kiều ở khắp nơi trên thế giới dồn nén trong 3 năm qua khiến nhu cầu khách bay sẽ tăng mạnh trong thời gian tới: “Nhu cầu bị dồn nén là rất mạnh. Chúng tôi thấy tốc độ tăng trưởng ở mức 3 con số trong khối lượng tìm kiếm cho hầu hết các điểm đến tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Đó là mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bởi nhu cầu có thể vượt quá khả năng đáp ứng, chúng tôi mong đợi trong một hoặc hai quý đầu tiên của năm nay, các hãng hàng không và các khách sạn sẽ tìm cách thuê lại nhân viên và xây dựng cơ sở hạ tầng, hy vọng trong nửa cuối năm mọi thứ sẽ trở lại bình thường”.

Đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu các chuyến bay VariFlight cho biết, hiện số chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc mới chỉ bằng 8% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, dự báo công suất sẽ tăng lên 20-30% vào tháng 3/2023 và có thể đạt 50% vào mùa hè này.

Hàng người xin cấp hộ chiếu tại Phòng dịch vụ xuất nhập cảnh Bắc Kinh ngày 9/1 - Ảnh CHINA DAILY

Các chuyên gia nhận định, hàng không sẽ là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi theo lộ trình mở cửa của Trung Quốc. Bởi trước đó, theo thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, năm 2019, công dân nước này đã thực hiện tới 155 triệu chuyến du lịch nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu, thời điểm này, nhiều hãng hàng không đang lên kế hoạch tăng công suất ghế ngồi quốc tế đến và đi Trung Quốc.

Cụ thể, hãng Cathay Pacific Airways của Hong Kong đã bổ sung hơn 52.000 chỗ ngồi khi biên giới với đại lục mở cửa, vượt qua Xiamen Airlines. Juneyao Airlines và các hãng khác cũng vừa thêm 160.000 chỗ khứ hồi.

Tuy nhiên bên cạnh những lạc quan, một số hãng hàng không vẫn tỏ ra thận trọng khi nối lại các chuyến bay tới Trung Quốc.

Ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành hãng Delta Airlines của Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi sẽ không vượt lên dẫn trước về khả năng tiếp cận Trung Quốc. Chúng tôi sẽ chú ý xem nhu cầu bảo đảm như thế nào và thị trường này mở ra cơ hội gì trong thời gian tới”.Theo các chuyên gia, đối với nhiều hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ, một câu hỏi đặt ra là liệu du khách Mỹ, đặc biệt những khách hàng doanh nghiệp thu nhập cao có háo hức quay lại các chuyến bay đường dài đắt đỏ giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hàng không vẫn sợ rủi ro bởi đang trong quá trình phục hồi. Ngoài ra, nguồn lực hạn chế về máy bay và tình trạng thiếu nhân lực, phi hành đoàn có thể khiến không ít hãng bay gặp áp lực, đặc biệt trên các chặng bay đường dài.

Tại Việt Nam, các hãng hàng không Việt cũng đang rục rịch trở lại thị trường tỷ dân. Là một trong những thị trường hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam, việc các đường bay kết nối đến Trung Quốc bắt đầu khai thác trở lại đang mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho các hãng hàng không. Trước dịch, lượng khách Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam.

Hiện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc gồm: TP Hồ Chí Minh-Quảng Châu, Hà Nội-Thượng Hải và TP Hồ Chí Minh-Thượng Hải. Với việc nối lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng đường bay quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.

Ngày 7/2, thông tin từ Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), từ tháng 3 và tháng 4 năm nay sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam – Trung Quốc, từng bước tiến tới khôi phục hoàn toàn mạng lưới bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch.