Hàng chục nghìn chuyến bay bị hủy, hàng không gấp rút tuyển dụng nhân lực

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã từ bỏ chiến lược “zero Covid” để mở cửa du lịch trở lại, trừ Trung Quốc. Đây là tín hiệu tốt để tăng tốc độ hồi phục cho ngành hàng không. Tuy vậy, vấn đề nhân lực hiện đang là bài toán mà ngành này vẫn phải chật vật giải quyết.

Hành khách tại sân bay Manchester, Anh hôm 4/4. Ảnh: Reuters

Nếu như tại Việt Nam có kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 sắp tới, thì với nhiều quốc gia khác sẽ là kỳ nghỉ lễ Phục Sinh. Đây đều là những dịp cao điểm đi lại, thuận lợi cho sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch. Như tại Mỹ, một nghiên cứu chỉ ra rằng kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ có khoảng 30 triệu người đi lại bằng đường hàng không..

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, hiện tại Châu Âu, hàng nghìn người đi nghỉ lễ đang bị gián đoạn hoặc hủy chuyến bay do các sân bay cũng như hãng hàng không không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Theo đó, tỉ lệ mắc COVID-19 cao tại Anh đã khiến nhiều người làm trong ngành hàng không buộc phải ở nhà, khiến cho các sân bay và hãng bay, vốn đã chật vật do một lượng lớn nhân viên nghỉ việc kể từ khi có dịch COVID-19, nay lại càng thêm khó khăn.

Ông Michael Edwards, Giám đốc công ty du lịch Explore Worldwide chia sẻ: “Nhu cầu du lịch đang dần trở lại mốc năm 2019. Đó là điều tốt và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành hàng không hiện tại đã yếu đi rất nhiều do ảnh hưởng của 2 năm COVID-19. Họ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị nhân lực và hệ thống để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến như hiện nay”.

Thực tế, tình trạng hủy chuyến bay do thiếu hụt nhân lực diễn ra từ cuối năm 2021. Theo thống kê của trang FlightAware, tại Mỹ, dịp lễ giáng sinh năm ngoái đã có khoảng 28 nghìn chuyến bay bị hủy bỏ vì nhiều lí do, bao gồm cả do thời tiết và dịch bệnh. Hay chỉ tính riêng ngày đầu năm 2022 cũng có hơn 3 nghìn chuyến bay bị hủy; 1/3 số chuyến bay trong 2 tuần đầu năm cất cánh trễ với thời gian trễ trung bình lên tới 50 phút.

Natalie Compton, phóng viên của tờ Washington Post chia sẻ một số kinh nghiệm cần biết trong thời điểm này: “Trước tình trạng hủy chuyến hàng loạt như hiệu nay, tốt nhất là bạn nên đặt bay chuyến buổi sáng, để nếu có bị hủy chuyến, ta có vẫn có thời gian để đặt một chuyến bay khác, và khi đó ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn là bay chuyến chiều tối. Và một mẹo khác, đó là tận dụng tối đa hành lý xách tay và hạn chế hành lý ký gửi nhất có thể để có thể di chuyển dễ dàng hơn trong khung cảnh náo loạn tại sân bay mỗi khi có hủy chuyến”.

Trước tình trạng hủy chuyến diện rộng, ngành hàng không hiện đang nỗ lực tuyển dụng, đào tạo thêm nhân lực để khắc phục. Erates Airlines, hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tuyển thêm 3 nghìn nhân viên trong nửa đầu năm 2022, nhất là cho 2 vị trí tiếp viên và phi công. Hãng máy bay Airbus cũng đang tuyển thêm 6 nghìn nhân viên cho nhiều vị trí để đáp ứng nhu cầu mua máy bay mới của ngành hàng không trong thời gian tới.

Còn tại Singapore, mới đây ngày 7/4, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã kí hợp tác thỏa thuận với Cơ quan hàng không dân dụng nước này để phát triển và cung cấp chương trình đào tạo nhân lực lãnh đạo về giải pháp phục hồi trong ngành hàng không. Trong bối cảnh quốc gia này vừa mở cửa toàn diện trở lại từ 1/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore, ông Iswaran cho biết hàng không Singapore cũng đang nỗ lực tuyển dụng nhân viên để đảm bảo hoạt động trơn tru cho Sân bay Changi. Việc tăng cường nhân lực để đảm bảo hoạt động cho ngành hàng không là thách thức quan trọng khi Singapore bắt đầu nới lỏng hạn chế về biên giới.

Cũng theo ông Iswaran, sân bay Changi hiện đang hoạt động với khoảng 2/3 đến 3/4 công suất so với trước đại dịch; cần có thêm thời gian để đào tạo nhân lực mới, đồng thời giúp họ làm quen với các quy trình vốn đã có ít nhiều thay đổi trong 2 năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn rất lạc quan về tình hình hiện tại: “Tôi đã gặp và trò chuyện với các nhân viên bán lẻ, nhân viên sân bay, bộ phận mặt đất v.v… Tất cả đều tỏ ra phấn khích và lạc quan khi Singapore bắt đầu mở cửa và kết nối với thế giới trở lại. Chúng tôi có thể hoạt động hết công suất ngay từ bây giờ, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong việc thu hút và nâng cao trình độ nhân lực”.

Tiếp nối đà phục hồi trong năm 2021, ngành Hàng không toàn cầu bước sang năm mới 2022 với sự lạc quan về triển vọng phát triển, dự báo sẽ tăng trưởng 47%, khi những biện pháp hạn chế liên quan đến biến chủng Ocron của vi rút SARS-CoV-2 dần được nới lỏng hoặc loại bỏ.

Dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, ngành Hàng không toàn cầu trong năm nay vẫn cần có những điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Giới chuyên môn cảnh báo, bên cạnh giá nhiên liệu thì chi phí nhân công tăng và tình trạng thiếu lao động sẽ là những mối đe dọa chính với ngành Hàng không toàn cầu năm nay do ượng lớn nhân viên lành nghề đã nghỉ việc khi các hãng hàng không tái cơ cấu để ứng phó khó khăn.

Tình trạng lây nhiễm COVID-19 và các quy định tạm trú nghiêm ngặt ở nhiều nước cũng buộc phi hành đoàn phải ở lại trong khách sạn khi không có chuyến bay, làm trầm trọng tình trạng thiếu nhân lực.