Hà Nội sẽ chi 9 tỷ đồng để duy tu, nâng cấp hạ tầng xe buýt

Dự kiến trong năm nay, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiến hành duy tu, nâng cấp hạ tầng xe buýt, đồng thời mở mới 17 tuyến buýt; tổ chức đấu thầu lại 68 tuyến buýt có trợ giá.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hiện mạng lưới xe buýt ở Hà Nội có trên 120 tuyến, mở rộng ra toàn bộ 34 quận, huyện, thị xã, xoá các “vùng trắng” xe buýt.

Tuy nhiên, hệ thống điểm dừng, nhà chờ trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại không ít bất cập, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ xe buýt.

Hiện trạng nhà chờ và hạ tầng xe buýt phục vụ cho hành khách cả về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Ảnh: Thanh niên

Nói về thực tế này, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn – Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng hiện trạng nhà chờ và hạ tầng xe buýt phục vụ cho hành khách cả về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, Hà Nội gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng nhà chờ xe buýt do vỉa hè hẹp không cho phép, đặc biệt gặp phải sự không ủng hộ của những người dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán và các đơn vị ở trên vỉa hè, lề đường. Bên cạnh đó là khó khăn về vốn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt bao gồm việc xây dựng các nhà chờ có chất lượng.

 

“Chúng ta thấy là có rất nhiều nhà chờ được xây dựng tính theo niên hạn sử dụng cũng được hàng chục năm. Về mặt chất lượng thì theo thời gian cũng bị xuống cấp. Những dịch vụ để phục vụ cho hành khách ví dụ như bảng thông tin, khu vực chờ có mái che, các trang thiết bị để cung cấp thông tin cho hành khách như bảng biển báo điện tử, chỉ dẫn thông tin cho hành khách cũng chưa đảm bảo được chất lượng”.

Trước những bất cập này, mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã có Tờ trình đề nghị Sở GTVT Hà Nội duyệt chi 8 tỷ để duy tu hạ tầng xe buýt, phục vụ mở mới, điều chỉnh luồng tuyến xe buýt. Các hạng mục gồm lắp mới pano, biển báo điểm dừng xe buýt, thay nền, thay thông tin, thay hộp biển báo pano; sơn vạch điểm dừng xe buýt và sửa chữa những hư hỏng đột xuất của hệ thống hạ tầng xe buýt…

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng đề nghị Hà Nội chi 1 tỷ đồng duy tu cải tạo điểm đầu điểm cuối xe buýt để đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, trong năm 2020, thành phố sẽ đầu tư mới hơn 500 điểm dừng xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, TP Hà Nội sẽ rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân; tăng cường kiểm tra giám sát mạng lưới tuyến, phối hợp với các lực lượng chức năng giải tỏa các trường hợp chiếm dụng hạ tầng xe buýt, quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách.

Trong thời gian tới, mạng lưới xe buýt của thành phố cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.

Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống hạ tầng xe buýt, trong thời gian tới, mạng lưới xe buýt của thành phố cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.

Năm nay, Sở GTVT Hà Nội đang khảo sát hạ tầng để mở mới 17 tuyến xe buýt và điều chỉnh 15 tuyến, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/4/2020. Ngoài tuyến buýt trục chính sẽ mở thêm các ni buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Liên quan đến việc mở mới các tuyến nibus, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết thời gian triển khai các tuyến buýt này dự kiến trong quý II năm nay.

 

“Trong năm 2020, Sở GTVT Hà Nội đã có chủ trương và Sở đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các phòng ban, sở ngành tổ chức đưa vào vận hành 8 -9 tuyến buýt nhỏ có sức chứa từ 1 7 -25 chỗ. Các tuyến buýt này để gom khách ra các trục chính để tăng cường kết nối giữa các khu đông dân cư mà xe buýt lớn không thể vào được”.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đang lựa chọn nhà thầu duy tu hạ tầng đối với 68 tuyến buýt theo Kế hoạch được UBND TP phê duyệt nhằm đảm bảo công khai, nh bạch, đúng quy định và đảm bảo tiến độ đề ra.

Trong thời gian tới, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được xác định vẫn đóng vai trò chủ đạo. Do đó, hi vọng với sự đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng xe buýt cũng như điều chỉnh hợp lý, mở mới các tuyến buýt, ngành xe buýt có thể phát huy tối đa vai trò của mình, khai thác hiệu quả mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.