Hà Nội: Ngày 15/12, xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động

VOVGT - Ngày 15/12 tới, loạt xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chạy tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Ngày 15/12 tới, loạt xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chạy tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Sau nhiều ngày chờ đợi, ngày 15/12 tới đây, tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ chính thức đi vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội. Loạt xe buýt nhanh BRT đầu tiên ở Hà Nội chạy tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức lăn bánh phục vụ hành khách. Hà Nội đã thành lập một xí nghiệp trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác tuyến buýt nhanh BRT. Tổng Công ty vận tải Hà Nội Transerco là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ này.

Ngày 15/12, tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ chính thức đi vào hoạt động

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội khởi công thực hiện đầu năm 2013. Thời điểm đó, chủ đầu tư dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn – Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã và ngược lại.

Hiện, tuyến xe buýt BRT sẽ bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài - trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) có chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường. Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức vận hành tuyến buýt này với tần suất 5 phút/tuyến, hành trình Kim Mã - Yên Nghĩa và ngược lại dài 14km, dự kiến đi trong khoảng 40 - 45 phút, tần suất xe chạy 3 phút 1 chuyến.

Xe buýt có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h. Các xe đều có hệ thống định vị GPS kết nối với trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút. Xe buýt nhanh BRT được thiết kế dài và gầm cao hơn so với những xe buýt khác. Phần cửa có bệ để chân cao nửa mét nhằm đón khách tại các nhà chờ. Xe được sơn màu xanh lá, xanh lam và màu trắng nên có thể nhận diện dễ dàng. Biểu tượng xe buýt HANOI BRT được in rõ ràng ở ngoài thân xe. Chủng loại xe phục vụ tuyến này khá đặc biệt, có thể chở tới 90 hành khách. Khoang lái có cửa riêng, đảm bảo an toàn cho tài xế khi lái xe.

Mặc dù được gọi là “xe buýt nhanh”, nhưng theo Sở GTVT Hà Nội, mô hình này chỉ có thể gọi là “xe buýt ưu tiên” vì chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động.

Hiện các nhà chờ được được bảo trì, sửa chữa, lắp đặt thêm các thiết bị chuẩn bị đưa vào hoạt động. Còn các xe buýt BRT cũng đã được đưa đến bến xe Yên Nghĩa - quận Hà Đông để chuẩn bị cho việc chạy tuyến.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Hi vọng nhờ những tiện ích của mình, tuyến buýt nhanh BRT sẽ đi vào hoạt động thành công, đem đến cho hành khách nhiều trải nghiệm mới về hình thức xe buýt tiên tiến đang được nhiều quốc gia phát triển sử dụng.