Hà Nội: Giãn cách tại công sở, sẽ không chờ tự giác

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Lãnh đạo TP Hà Nội vừa nhất trí với kiến nghị của Công an thành phố về việc kiểm soát mạnh mẽ hơn số người làm việc ở các cơ quan trên địa bàn trong thời gian giãn cách.

Đây là lần thứ 3 Hà Nội nhắc lại yêu cầu giãn cách tại cơ quan công sở, kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Theo ghi nhận của VOVGT, ngay sau lệnh giãn cách, các cơ quan nhà nước tại Hà Nội đã nhanh chóng ban hành quy định về việc bố trí người làm việc tại trụ sở. Về cơ bản, trừ những trường hợp được phân công trực để xử lý các công việc cần thiết và cấp bách thì đa số công chức chủ động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà:

"Chúng tôi xử lý công việc tại nhà thông qua hệ thống mạng của cơ quan, sau đó chỉ lên cơ quan để in ra và trình ký thôi. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý công việc từ xa".

Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu như ngành Điện, bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng:

Khuyến khích sử dụng các dịch vụ điện qua hình thức trực tuyến, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử, tạm dừng các dịch vụ cung cấp điện mới hoặc các dịch vụ điện bằng hình thức trực tiếp, phát triển các hình thức gián tiếp.

Ảnh nh họa

Đại diện EVN Hà Nội cũng khẳng định, việc thu tiền điện tại nhà của các tổ chức, cá nhân thu hộ là không được phép. Nếu diễn ra trong thời gian này, đơn vị sẽ xác nh, xử lý. 

Trước diễn biến dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, tại cuộc họp chiều tối qua (2/8) Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu kiểm soát mạnh mẽ hơn số người làm việc ở các cơ quan trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, yêu cầu xử lý nghiêm đơn vị, cơ quan nào vi phạm về giãn cách xã hội, kể cả của cơ quan, đơn vị, tập đoàn khối T.Ư.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đồng tình với việc tăng cường kiểm tra, phát hiện những công sở, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định giãn cách hay những cá nhân cố tình tranh thủ để làm thêm hoặc giải quyết công việc còn tồn đọng. Theo ông Nga, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu:

"Nếu bùng dịch thì thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm, bởi trong điều kiện này nếu tổ chức làm việc thì phải chịu trách nhiệm, phải ban hành các quy định nội bộ để nhân viên đi làm và khách hàng đến làm việc cũng an toàn nhất", PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.

Từ thực tế làm việc tại nhà đang được áp dụng rộng rãi, bà Vi Bùi, một nhà huấn luyện doanh nghiệp cho rằng, với khả năng kết nối thuận lợi giữa cá nhân và nhóm, với sự thoải mái về tâm lý của người lao động, hoàn toàn có thể nghĩ tới sự chuyển dịch từ làm việc tại công sở sang làm việc từ xa ở một số lĩnh vực, kể cả khi dịch bệnh chấm dứt:

"Công việc mà trước đây chúng ta tưởng không thể làm việc tại nhà nhưng giờ nó đã diễn ra. Sau thời gian này chúng ta thấy rằng, công việc này hoàn toàn có thể làm việc tại nhà, tức là người lao động có thể chủ động đề xuất một số công việc có thể làm tại nhà", bà Vi Bùi nói.

Trước đó, ngay trong tuần đầu tiên giãn cách, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý một số doanh nghiệp tự ý cho người lao động đến công sở làm việc, dù không thuộc lĩnh vực thiết yếu, đồng thời ban hành thống nhất mẫu giấy xác nhận nơi làm việc để lực lượng chức năng có căn cứ kiểm tra, đối chiếu./.