Gửi yêu thương tới tuyến đầu

TP.HCM đang trong vào những ngày giãn cách xã hội rất căng thẳng, khi mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm COVID-19, nhiều ca nhanh chóng trở nặng; gây áp lực rất lớn đến các y bác sĩ.

Thành phố đã gấp rút xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19, sẵn sàng thu dung để điều trị cho các ca F0. 

Các bệnh viện còn lại cũng hoạt động theo mô hình tách đôi để vừa điều trị cho các bệnh thông thường; đồng thời đảm đương nhiệm vụ chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19. 

Cuộc chiến giành giật sự sống cho từng bệnh nhân vẫn diễn ra hàng ngày tại tuyến đầu

Những ngày này, tất cả các bệnh viện của thành phố, đội ngũ y bác sĩ đều hoạt động hết công suất.

Nhiều nơi, các bệnh nhân COVID-19 trở nặng tăng, đòi hỏi công tác hồi sức cấp cứu phải kịp thời, nhanh chóng. Các bác sĩ và ê kíp phải thức nguyên đêm để giành giật sự sống đối với các ca có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Liên tục hội chẩn online để vừa tiết kiệm thời gian lại hỗ trợ được nhiều đồng nghiệp. Thiết bị tối tân, hiện đại nhất đều được đưa vào sử dụng.

Rất mừng, đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân rất nặng dần hồi phục, nhiều người có thể không cần thở ô xy. Tuy nhiên cũng nhiều trường hợp dù nỗ lực đến cùng nhưng các y bác sĩ cũng đành bất lực.

Hiện nay, trong các bệnh viện dã chiến, trong các khu điều trị tập trung, nhân viên y tế không chỉ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; mà còn kiêm cả người vận chuyển đồ đạc người nhà gửi vào; làm thông tin viên giữa người bệnh và gia đình; thậm chí phải sửa chữa cả thiết bị, dụng cụ khi trong phòng bệnh nhân bị hỏng.

Ở nhiều bệnh viện, đội ngũ thầy thuốc còn phải đối mặt với khó khăn, thử thách mới khi ngoài số ca COVID-19 nhập viện ngày một nhiều thì số bệnh nhân bị bệnh khác cũng tăng. Do vậy việc chống lây chéo để bảo vệ bằng được các bệnh nhân này trước COVID-19 luôn được đặt lên hàng đầu.

Ở tuyến cơ sở phường, xã; đội ngũ y tế cũng làm việc cật lực để tư vấn, hỗ trợ cho người dân trong việc phòng dịch cũng như nắm bắt kịp thời để điều chuyển các ca F0 đi cách ly điều trị tập trung. Công việc cũng xuyên đêm, suốt sáng.

Đó chưa kể, công tác cách ly, xét nghiệm truy vết, khoanh vùng dập dịch; tiêm ngừa vắc xin vẫn tiếp tục phải làm khi các ca F0 ngoài cộng đồng chưa hết.

Ngành y và các ngành vẫn phải bền bỉ thực hiện dù muôn vàn khó khăn; nhiều nơi có dấu hiệu quá tải.

'Ngồi đây chờ bệnh nhân về là mình thất bại. Đó là chính sách thụ động, triển khai ngay các cơ sở đánh chặn trước. Cử 4 bác sĩ xuống 4 BV cấp 2, thiết lập hệ thống hội chẩn đến tất cả BV quận. Muốn bệnh nhân sướng thì bác sĩ phải khổ…" - Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID chia sẻ.

Dịch COVID-19 ở TP.HCM vẫn phức tạp. Đội ngũ y bác sĩ thành phố và cả nước chi viện vẫn lao lên phía trước.

Họ chính là những người nơi “đầu sóng ngọn gió”, bất chấp hiểm nguy để lại gia đình, người thân, vợ chồng, con cái; tiếp tục tranh thủ từng giờ, từng phút chữa trị cho các bệnh nhân và nhiều bệnh dịch khác.

Do vậy lúc này, mỗi người cần chia sẻ gáng nặng với đội ngũ ngành y bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Trong đó thực hiện nghiêm túc yêu cầu giãn cách theo chỉ thị 16; ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và thực hiện đúng nguyên tắc 5K; tránh bị lây nhiễm và lây nhiễm cho người khác.

Nếu chằng may là F0 cũng không hoảng loạn, cần bình tĩnh làm theo các hướng dẫn. Khi phải vào các khu cách ly, khu điều trị tập trung nếu còn sức khỏe thì tự chăm sóc bản thân theo phác đồ của các y bác sĩ; cùng hỗ trợ, giúp đỡ, động viên nhau vượt qua…

Những hành động cụ thể này sẽ giúp cho  đội ngũ y bác sĩ giảm bớt áp lực để đủ sức, bình tâm chăm lo sức khỏe cho mỗi người một cách tốt nhất. 

Mỗi người, vì thế hãy tiếp tục làm những công việc dù nhỏ nhất để chia sẻ với các y bác  sỹ đang căng mình chống dịch như gửi yêu thương đến những người tuyến đầu trong giai đoạn đầy khó khăn và thử thách hiện nay.