Giới hạn tốc độ thường xuyên bị vi phạm vì hay được bỏ qua lỗi

Giới hạn tốc độ lái xe là một trong những yếu tố quan trọng giúp kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này thường xuyên bị cánh tài xế phớt lờ và tỏ ra không mấy hiệu quả, trong khi số vụ tai nạn gây tử vong liên tục tăng cao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Theo các chuyên gia, không chỉ COVID-19, vi phạm quá tốc độ cũng là ‘một loại đại dịch’ gây chết người hàng loạt - Ảnh nh họa

Theo Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), những năm gần đây cứ 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây chết người thì có 1 vụ liên quan đến tài xế chạy quá tốc độ. Đây cũng là nguyên nhân khiến gần 10.000 người tử vong mỗi năm, cùng với đó là số lượng lớn người bị chấn thương nặng.

Cục An toàn Đường cao tốc Mỹ ước tính, các vụ va chạm liên quan đến tốc độ gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm, và tổn thương về mặt tinh thần đối với những người ở lại là ‘không thể đong đếm’.

Bà Amy Cohen, đồng sáng lập Tổ chức An toàn giao thông vì Gia đình, người có con trai 12 tuổi thiệt mạng do một chiếc xe chạy quá tốc độ gây ra, chia sẻ: “Tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, cho đến khi có người thân tử vong vì tai nạn giao thông. Tôi lên tiếng bởi không muốn điều này xảy ra với bất kỳ ai. Đi chậm có thể gây ra một số bất tiện nhưng đôi khi điều đó sẽ cứu sống một mạng người”

Theo Amy Cohen quy định giới hạn tốc độ là yếu tố quan trọng để tránh những tai nạn thương tâm như đã xảy ra với gia đình bà: “Giảm tốc độ tối đa cho phép là một trong những giải pháp rất quan trọng để hạn chế tai nạn giao thông trên đường. Điều đó đã chứng nh là có hiệu quả và chúng ta cần thực hiện ngay quy định này”

Khảo sát mới đây của Quỹ An toàn Giao thông Mỹ cho thấy, 50% trong tổng số gần 3.000 người được hỏi cho biết, thường chạy quá ít nhất 24 km/h mỗi khi lưu thông trên cao tốc. Trong khi đó, tỷ lệ người đi bộ thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông tăng từ 10% ở tốc độ 37 km/h lên 75% nếu tài xế chạy ở tốc độ 80 km/h.

Bà Zabe Bent, Giám đốc Hiệp hội vận tải Quốc gia Mỹ nhận định: “Rất nhiều người xem đây là thói quen bình thường. Họ cố gắng lái xe ở tốc độ giới hạn cao nhất như một nhiệm vụ khi đi trên cao tốc, thậm chí cho rằng chẳng ai đáng bị phạt nếu chỉ vượt quá 15 km/h”.

Ảnh nh họa -  Getty Images

Năm 2020, bất chấp lệnh hạn chế đi lại vì COVID-19, vẫn có hơn hơn 42.000 người Mỹ tử vong trong các vụ tai nạn xe cơ giới, gần 5 triệu người bị thương nặng, gây thiệt hại 474 tỷ USD. Đây được xem là năm có người chết vì tai nạn giao thông cao nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.

Bà Zabe Bent cho biết thêm: “Không ít người cho rằng tốc độ không liên quan trực tiếp tới mức độ nghiêm trọng trong các vụ tai nạn. Tuy nhiên điều này là không đúng, bởi một người bị ô tô đâm ở tốc độ 60 km/h có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với khi bị xe đâm ở vận tốc 30 km/h”.

Theo các chuyên gia, không chỉ COVID-19, vi phạm quá tốc độ cũng là ‘một loại đại dịch’ gây chết người hàng loạt.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Mỹ cao hơn 50% so với Canada, Úc, Nhật Bản và một số nước châu Âu, đồng thời ngày càng tăng cao trong khi các quốc gia khác có xu hướng giảm.

Theo bà Pam Shadel Fischer, Giám đốc đối ngoại Hiệp hội An toàn đường cao tốc Mỹ, những năm gần đây, rất nhiều lỗi vi phạm quá tốc độ bị bỏ qua và quy định này giống như một vấn đề an toàn giao thông bị lãng quên, dù đây là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn người chết mỗi năm.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Jay Beeber, Giám đốc Cơ quan An toàn đường bộ Los Angeles cho rằng, thay đổi giới hạn tốc độ ở thời điểm này là phi thực tế, và sẽ không có bất kỳ tác động hiệu quả nào: “Mọi người sẽ vẫn lái xe như vậy bởi họ xem giới hạn tốc độ quy định gây lãng phí thời gian. Những nghiên cứu từ Cục quản lý đường cao tốc Liên bang cho thấy, rất ít tài xế lái xe theo quy định giới hạn tốc độ trên biển báo”.

Thực tế, các dòng xe bán tải cỡ lớn rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Theo thống kê, cứ 5 xe bán ra thì có 1 chiếc là xe bán tải.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện ngày càng nhiều các mẫu xe động cơ phân khối lớn, tốc độ cao cũng tỷ lệ thuận với số trường hợp tử vong trên đường. Tuy nhiên, hầu như chẳng hãng xe nào bận tâm tới điều này, bởi cho rằng họ chế tạo những chiếc xe lớn hơn, mạnh mẽ hơn bởi đơn giản là người tiêu dùng muốn như vậy.

Đề cập đến việc quản lý tốc độ phương tiện, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT  cho rằng, Việt Nam chưa có chính sách quản lý tốc độ bài bản. Tốc độ giới hạn tại các khu đô thị còn cao, thường là 60 km/h. Thêm nữa, chính quyền đô thị chưa có khả năng áp dụng mức giới hạn tốc độ thấp hơn theo quy định của Luật GTĐB nên không có tốc độ đặc thù các khu vực “nhạy cảm” như trường học, khu đông dân cư.

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, các dải tốc độ an toàn là 30 km/h, 50 km/h, 70 km/h. Việc giảm tốc độ cho phép của phương tiện cơ giới xuống 30 km/h tại các tuyến đường đông dân cư, trường học, khu vực có nhiều người đi bộ sẽ giảm 26% chấn thương do TNGT.