Giới hạn giờ lái xe: Giám sát thế nào và dừng nghỉ ở đâu?

Trong Dự thảo Luật Đường bộ đang xây dựng, Bộ GTVT vừa đề xuất thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ vào ban đêm khung giờ từ 22h hôm trước tới 6h hôm sau, không lái xe quá 8 giờ trong một ngày.

Đây là thay đổi đáng kể so với quy định hiện hành là: Không lái liên tục quá 4 giờ, và không chạy xe quá 10 giờ trong một ngày.

Vậy nội dung này có phù hợp, cần điều kiện nào để khả thi? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội.

Theo quy định hiện hành, việc tuân thủ giờ chạy xe liên tục (không quá 4 giờ) và tổng giờ chạy xe trong một ngày (không quá 10 giờ) vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác của các tài xế.

PV: Thưa ông, quan điểm của ông thế nào về đề xuất hạn chế thời gian lái xe liên tục vào ban đêm và tổng thời gian tài xế chạy xe trong một ngày từ Dự luật Đường bộ đang được Bộ GTVT xây dựng?

Ông Bùi Danh Liên: Việc lựa chọn khung giờ để nghỉ ngơi, chúng tôi nhận thấy cũng cần thiết vì đã thảo luận rất kỹ rồi. Nhưng chúng ta cần đặt ra, những thay đổi đó giải quyết được vấn đề gì, và có làm được hay không.

Quan điểm của chúng tôi, trước mắt nên ổn định lại ngành vận tải. Các quy định đưa ra sẵn có hiện nay làm sao các doanh nghiệp vận tải và lái xe chấp hành đúng, thuận lợi. Còn nếu thay đổi bây giờ mà làm ngay thì không đủ điều kiện làm đâu.

PV: Theo ông, những điều kiện đó là gì?

Ông Bùi Danh Liên: Điều kiện là cơ quan nhà nước kiểm soát cái đó được không? Hay là chỉ nêu ra mà không ai làm. Ví dụ, kiểm soát những lái xe đó thì là ai? Thanh tra giao thông hay cảnh sát giao thông? Cuối cùng là không ai làm. Việc chạy xe vào ban đêm, khuya khoắt thì ai kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ người lái xe làm việc đó?

Tôi nghĩ rằng, vấn đề này phải là tự thân các doanh nghiệp phải xem xét khả năng của mình, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho lái xe, hành khách trên xe. Cần từ ý kiến của người dân, doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hợp lý hơn.

Ngay Bộ GTVT hiện nay cũng chưa có kết quả cuối cùng về phản ánh từ thiết bị giám sát hành trình chuyển lên. Chính cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa quản lý được. Chúng ta phải xem thực tế có làm được không.

Rồi vấn đề nghỉ thì họ nghỉ ở đâu? Hiện nay đường cao tốc thậm chí còn không có chỗ nghỉ, rồi dừng xe cũng chả có chỗ dừng xe. Hạ tầng còn lộn xộn lắm. Rất khó khăn cho ngành vận tải.

Bộ GTVT cần khảo sát kỹ, lấy ý kiến rộng rãi để tìm giải pháp, nếu không đưa ra mà không làm được thì hòa cả làng!

Quy định mới tiếp tục giảm thời gian chạy xe, nhưng cần tính tới các điều kiện cần, như hạ tầng trạm dừng nghỉ, nơi chăm sóc sức khỏe tài xế, giám sát từ xa với DN, phương tiện, người lái

PV: Các nước trong khu vực thì họ đang khống chế thời gian lái xe đảm bảo sức khỏe người lái và hạn chế tai nạn giao thông ra sao?

Ông Bùi Danh Liên: Tôi thấy họ quy định giờ giấc đầy đủ, từ mấy giờ đến mấy giờ được hoạt động. Họ thực thi quy định rất nghiêm, xe du lịch đến giờ nghỉ thì dứt khoát lái xe phải nghỉ. Họ có bảng chạy thêm giờ, điểm dừng nghỉ rất cụ thể, khoa học, chứ không phải bắt khách chờ giữa đường chờ tài xế nghỉ.

Tất cả đều được tính toán chi tiết, và họ có sự giám sát rất chính xác. Xe đi đến đâu, cơ quan cao cấp nhất quản lý ngành giao thông thì đều truy xuất được kết quả hết.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau là khung giờ thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ việc tài xế mệt mỏi, mất tập trung, ngủ gật. Đề xuất hạn chế lái xe liên tục vào ban đêm mà Bộ GTVT đặt ra có cơ sở và mục tiêu nhân văn.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh các quy định hiện hành còn chưa được giám sát và thực hiện nghiêm túc, chắc chắn những quy định mới (nếu được thông qua) sẽ cần phải hội tụ các điều kiện để trở nên khả thi và đi vào thực tiễn đời sống.

Đơn cử như việc thực hiện nghiêm túc kiểm tra sức khỏe tài xế định kỳ; Có giải pháp hiệu quả giám sát từ xa với phương tiện, người lái; Hạn chế hiện tượng doanh nghiệp gây áp lực thời gian, đơn hàng lên tài xế; Xây dựng các trung tâm, các buổi trị liệu, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tâm lý tại chỗ cho các bác tài; Hoàn thiện và kiện toàn hệ thống trạm dừng, nghỉ để tài xế có điều kiện thuận lợi nghỉ ngơi tay lái, tránh dừng ở các vị trí thiếu đảm bảo an toàn…