Giao hàng bằng thuyền và xe điện để giảm khí thải

Khi thương mại điện tử không ngừng phát triển, các công ty giao hàng đang tìm kiếm giải pháp mới để cắt giảm lượng khí thải carbon. Tại Đức, các công ty giao hàng cho biết họ sử dụng các giải pháp thay thế sáng tạo cho phương tiện giao thông như một phần trong nỗ lực hướng tới xu hướng xanh của toàn ngành.

Khi các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Dubai để tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu (COP28) của Liên hợp quốc, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng được chú ý nhiều hơn.

Các chuyên gia về khí hậu cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm khí thải trong lĩnh vực vận tải và vận chuyển hàng hóa.

Hiện vận tải hàng hóa chiếm 8% lượng khí thải carbon toàn cầu. Do đó, các công ty giao hàng đang tìm kiếm giải pháp mới để giúp cắt giảm lượng khí thải carbon.

Tại Đức, các công ty giao hàng đang ứng dụng các giải pháp thay thế cho phương tiện giao thông như một phần trong nỗ lực hướng tới xu hướng xanh của toàn ngành.

Đơn cử như DHL (gã khổng lồ logistic của Đức), một trong những công ty chuyển phát nhanh nổi tiếng nhất thế giới, đang cách mạng hóa quy trình chuyển phát bưu kiện kéo dài hàng thập kỷ của mình.

Công ty DHL sử dụng mạng lưới kênh đào ngoại ô chạy xuyên qua Berlin để giao hàng. Ảnh: CNA

Công ty đang thử nghiệm những phương thức sạch hơn để vận chuyển bưu kiện, chẳng hạn như sử dụng mạng lưới kênh đào ngoại ô chạy xuyên qua Berlin.

Người phát ngôn của công ty DHL, Johannes Nedo, cho biết: “Dự án này đang giúp cắt giảm lượng khí thải mỗi ngày. Kể từ khi bắt đầu, chúng tôi đã giao được 50.000 bưu kiện theo cách này – tức là chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 300 chuyến bằng xe tải. Đây  là một bước tiến lớn và là dấu hiệu cho thấy dự án này hoạt động hiệu quả”.

Công ty DHL cho biết, ngoài việc cắt giảm lượng khí thải carbon, việc thay đổi từ đường bộ sang đường sông cũng giúp ít tắc nghẽn hơn, giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí.

Sau khi cập bến, nhân viên tiếp tục nỗ lực giao hàng xanh bằng cách gửi các gói hàng đến người nhận ở khu vực lân cận bằng xe đạp chở hàng chạy bằng điện. Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của toàn công ty nhằm hướng tới các phương pháp phân phối thân thiện với khí hậu hơn.

Ông Johannes Nedo cho biết: “Giảm lượng khí thải là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi. DHL có sứ mệnh đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, chúng tôi nỗ lực hướng tới vận tải sạch và đây chỉ là một phần trong chiến lược của chúng tôi.”

Ảnh: CNA

Trong khi đó, Onomotion có trụ sở tại Berlin, nhà sản xuất xe đạp điện cung cấp giải pháp thay thế chạy bằng bàn đạp cho xe tải diesel truyền thống, hy vọng rằng nhiều công ty giao hàng sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện của họ.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty Onomotion Beres Seelbach cho biết: "Sử dụng xe đạp điện rất linh hoạt. Bạn không cần phải tìm bãi đậu xe… Bạn có thể đỗ xe ngay trước địa chỉ giao hàng. Phương tiện của bạn thải ra ít khí thải carbon dioxide (CO2) hơn. Tất cả những điều này tạo nên giải pháp tuyệt vời linh hoạt hơn và tốt hơn cho môi trường”.

Do thiết kế của xe đạp có 3 bánh, điều khiển dễ dàng, pin xe giúp tăng tốc tốt nên rất dễ tuyển dụng lao động mà không cần bằng lái xe hay đào tạo chuyên sâu.

Công ty cho biết lượng carbon cắt giảm được cho mỗi hành trình đều tăng lên đáng kể.

Ông Seelbach cho biết: “Bạn tiết kiệm được gần một kg khí thải CO2 trở lên mỗi lần. Đó là tiết kiệm trực tiếp nhưng cũng có tiết kiệm gián tiếp vì bạn không gây ùn tắc giao thông. Nếu bạn để một chiếc xe tải trên đường gây ùn tắc, bạn sẽ thải ra nhiều CO2 hơn”.

Theo ông Seelbach, các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore và Malaysia đã thể hiện sự quan tâm đến phương tiện giao hàng của họ.

Các công ty trong ngành cho biết sự hợp tác với chính quyền địa phương là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng để chuyển đổi khỏi việc giao hàng dựa trên giao thông đường bộ, từ đó giúp giảm tắc nghẽn và lượng khí thải carbon.

Cũng như nhiều nước khác, tại Việt Nam, xu hướng xanh hóa logistics đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành vận chuyển.

Đầu tháng 12 này, công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông nh GSM đã triển khai dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện - Xanh Express trên ứng dụng Xanh SM tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.

Trước đó, vào tháng 5, Gojek và thương hiệu xe máy điện Việt là Dat Bike đã công bố hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện vào hoạt động giao hàng. Bưu Điện Việt Nam đã thuê 70 xe Benly e của hãng Honda để triển khai thí điểm dự án sử dụng xe máy điện giao hàng. Theo đó từ đầu năm 2022, bưu tá, nhân viên giao hàng đi phát thư báo, bưu phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội của Bưu Điện Việt Nam sử dụng xe điện Honda Benly e.