Giáo dục tự thân để người trẻ không phải đi đường vòng

Gia đình, nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ để các bạn trẻ tìm ra định hướng nghề nghiệp sớm. Còn chính bản thân mỗi người mới là chủ thể trong việc tìm kiếm đam mê- bệ phóng, nền tảng mang lại động lực học tập, trau dồi kiến thức, có công việc phù hợp.

Để mỗi cá nhân đủ tự tin, chủ động định hướng nghề nghiệp từ sớm phải trao cho người trẻ rất nhiều niềm tin và phương pháp đúng. 

 

Loay hoay, mơ hồ về tương lai không chỉ là tình cảnh của cá nhân sinh viên nào. Học để có tấm bằng, tốt nghiệp trường tốp đầu, học vì gia đình, chỉ cần tiếp tục đi học... vô vàn lý do quen thuộc này là mục tiêu đến trường của rất nhiều người trẻ.

Chừng nào "người học" vẫn đang đứng ngoài vòng trung tâm của quá trình giáo dục, còn chưa học vì chính mình, chừng ấy người trẻ sẽ vẫn thiếu đi động lực học tập và phải đi vòng rất xa.

Hệ quả là các em mất 5 năm, 10 năm thậm chí cả cuộc đời không tìm được việc mình muốn làm và làm cho tốt. Xã hội lãng phí nguồn nhân lực khi mất công tuyển mà không "dụng" được.

Một sinh viên ngành sư phạm có rất nhiều "kịch bản tương lai" sau khi ra trường. Lấy được tấm bằng sư phạm nhưng không biết "trồng người" sao cho đúng/ Không lấy được bằng sư phạm nhưng lại là chuyên gia giỏi do tự nghiên cứu, dạy thêm và lơ là việc học trên trường/ Vừa có bằng, vừa giỏi nghề.

Chỉ có sinh viên này mới có thể quyết định tương lai của mình diễn tiến theo kịch bản nào bằng việc hiểu rõ động cơ thực sự bên trong mình suốt quá trình học tập.

Cách tìm ra động lực bắt đầu từ những câu hỏi cơ bản: Mục tiêu của việc học là gì? Học cái gì để đạt được mục tiêu đó? Và học như thế nào?

Ảnh nh hoạ: trangtuyensinh.com.vn

Ở Australia, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã có những môn học tự chọn để phát triển khả năng của bản thân.

Xuyên suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường là một chuỗi hành trình giáo dục tự thân, bao gồm các yếu tố như: Rèn luyện sự tự tin, tự lập, tự nghiên cứu, chủ động trong suy nghĩ, thẳng thắn trao đổi ý kiến, tự lựa chọn nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. Học đại học không phải lựa chọn duy nhất. Các em ở đây có rất nhiều sự lựa chọn và ít người thấy lo lắng ở ngưỡng cửa đại học.

Muốn như vậy, gia đình, nhà trường phải trao cho các bạn quyền tự quyết khi đã giúp chuẩn bị hành trang cần thiết. Nhà trường không chỉ dừng lại ở giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, mà chính kinh nghiệm thực tế là điều quan trọng giúp sinh viên theo đuổi đam mê của mình.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên cần được trải nghiệm các kỳ thực tập khác nhau tại các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân... là nơi các bạn tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng, quan hệ rất hữu ích sau này.

Cùng với đó là hỗ trợ của gia đình luôn quan sát, lắng nghe, luôn động viên, đồng hành cùng con trong việc tìm kiếm, nuôi dưỡng và hình thành đam mê.

Mỗi người có thể làm tốt nhất một công việc hay một ngành học khi đó là lĩnh vực mình yêu thích. Sự năng động, tầm nhìn rộng mở sẽ giúp các bạn sinh viên không phải đóng khung với một quyết định học tập và sau này là nghề nghiệp mà mình không có hứng thú.

Nếu thấy bế tắc đừng ngại "gap year", một năm, hai năm dừng lại để suy nghĩ về tương lai. Và cuối cùng, nếu không tìm thấy thứ mình thích hãy thích thứ mình có.