Giá xăng dầu lập đỉnh mới, thêm áp lực “đè” lên cước vận tải

Ngày 11/5, giá mỗi lít xăng tăng gần 1.500 đồng, trong khi các loại dầu cũng tăng từ 1.100-1.300 đồng.Trong đó xăng RON95-V đã vượt 30.000 đồng/1 lít, cao nhất từ trước tới nay. Hàng loạt đợt điều chỉnh tăng và chỉ có một vài đợt điều chỉnh giảm “nhỏ giọt” đã và đang tiếp tục gây áp lực lớn lên giá cước vận tải.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sau nỗ lực “co kéo” không tăng cước trong nhiều tháng, với mốc mới của xăng dầu lần này, nhiều doanh nghiệp vận tải đang phải tính đến phương án tăng giá để bù đắp chi phí. 

Hàng loạt đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu đang tiếp tục gây áp lực lớn lên giá cước vận tải.

Xăng dầu lập đỉnh mới ngày hôm qua khiến cho lái xe công nghệ Nguyễn Văn Thanh, ở quận Long Biên, Hà Nội lại phải làm thêm giờ để bù đắp chi phí nhiên liệu. Nhưng anh lo ngại thu nhập cũng không được cải thiện, bởi cước phí DN xe công nghệ tăng không đáng kể.

"Ngày xưa mỗi ngày để ra được khoảng 300.000 đồng, bây giờ chỉ để ra được khoảng 200.000 đồng thôi, vì bây giờ tiền xăng tiền ăn cái gì cũng leo thang. Em mất nhiều thời gian hơn, có hôm đi từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối vẫn chỉ được như thế thôi chứ không được nhiều, hầu như đổ vào tiền xăng là nhiều", anh Thanh nói.

Sau hàng loạt đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, mới đây Công ty du lịch Hoàng An đã quyết định tăng cước vận tải ở mức rất nhỏ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty chia sẻ, mức tăng 1.000 đồng/km không thấm vào đâu, bởi chi phí nhiên liệu nay đã chiếm gần 50%. Tuy nhiên, với mong muốn phục hồi du lịch, chia sẻ khó khăn với khách hàng, doanh nghiệp phải gồng mình “co kéo” và tiết kiệm mọi chi phí để ổn định giá cước.

"Bây giờ mới dịch bệnh xong, mùa du lịch mới bắt đầu mở ra, các công ty du lịch và các công ty lữ hành có gọi xe bên mình cũng đều yêu cầu chia sẻ để khách quay lại, ưu tiên hàng đầu tiên là giá cước phải tương đối cạnh tranh. Bên mình cũng phải chia sẻ các khó khăn đó, thật ra giá bây giờ chỉ ở mức giữ khách chứ chưa phải là mức có lợi nhuận", ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt cũng đang chịu nhiều áp lực từ giá dầu tăng.

Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt cũng đang chịu nhiều áp lực từ giá dầu tăng. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội phân tích, phần lớn các phương tiện đều có tuổi đời khá cao, nên tiêu hao nhiên liệu rất lớn. Hiện chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải đã lên tới 35%. Dù cố “cầm cự” giữ nguyên giá từ nhiều tháng qua, nhưng nay doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án điều chỉnh giá.

"Chi phí nhiên liệu cho mỗi đoàn tàu rất lớn, đặc biệt đối với tàu khách, mùa hè thì nhiệt độ rất cao nên nhiên liệu để chạy máy phát điện cũng như đầu máy toa xe tiêu hao rất lớn, nên chi phí cho một chuyến tàu tăng rất cao. Từ cuối năm ngoái đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tăng giá, nhưng đến hôm nay giá dầu tiếp tục tăng, công ty sẽ tính toán đến điều chỉnh giá", bà Phùng Thị Lý Hà cho biết.   

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa khẳng định, cước tàu chắc chắn sẽ tăng, nhưng sẽ khó tăng đồng loạt bởi hầu hết các hợp đồng giữa chủ tàu với khách hàng đều là hợp đồng dài hạn, với mức giá cố định.

"Chắc chắn là phải tăng, nhưng bây giờ tùy theo mặt hàng, bây giờ đang vận động đề xuất tăng thêm từ một trăm ngàn/tấn lên thêm mấy ngàn nữa, tùy theo doanh nghiệp, có khách hàng họ chấp nhận có khách hàng chưa chấp nhận.  Nhưng hiện nay có cái khó là giá xả cứ phập phù lúc lên lúc xuống nên cũng khó", ông Trần Đỗ Liêm cho biết.

Hiện giá xăng dầu trong nước đã tăng trên 40% so với năm ngoái, tạo áp lực rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên toàn quốc.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM đề xuất: "Nên tung quỹ bình ổn giá xăng dầu ra, còn bao nhiêu nên tung hết để trợ giá cho giá xăng dầu nó hạ, nhằm khuyến khích các DN vận tải hoạt động. Thứ hai là việc giảm thuế và phí, đề nghị Quốc hội phải giám sát Bộ Tài Chính - Công Thương xem điều hành ra sao phải làm rõ".