Giá vé máy bay tăng cao, liệu có vượt trần?

Hiện giá vé máy bay tại phần lớn các đường bay nội địa đều tăng do nhu cầu tăng mạnh so với thời điểm dịch COVID-19. Đây vốn dĩ là điều hết sức bình thường theo quy luật cung cầu.

Nhưng giá vé máy bay cứ treo cao chót vót trong một khoảng thời gian dài cũng trở thành vấn đề nóng của dư luận.

Vậy việc tăng giá vé đã vượt giá trần hay chưa? Cơ chế điều chỉnh giá vé trong ngành hàng không cần thay đổi ra sao cho phù hợp với tình hình thực tế? PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) xung quanh nội dung này.

PV: Trước việc giá vé máy bay tại phần lớn các đường bay nội địa đều tăng thời gian gần đây, ông nhận định thế nào về việc này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Hiện nay Việt Nam có 5 hãng hàng không, các đường bay nội địa trong nước còn có những DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, theo Luật Cạnh tranh khi thị trường còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thì buộc nhà nước phải quy định giá trần và có phân cấp các hạng mục khác nhau.

Và khi nhà nước đã áp dụng giá trần thì đã tính toán đến chi phí bù đắp cho các đường bay đó có đủ mức lợi nhuận hợp lý.

Vì thế theo quan điểm cá nhân tôi viêc tăng giá vé các đường bay nội địa đã vượt giá trần hay chưa là vấn đề cần bàn, nếu vượt giá trần là vi phạm, còn nếu không vượt giá trần thì họ có quyền tăng theo quy định.

Trong bối cảnh hiện nay do quan hệ cung cầu căng thẳng là một yếu tố, nhưng không phải vì trước kia (do dịch bệnh covid19) người ta lỗ mà bây giờ tăng giá vé, chuyện đó là không có. Vì thế phải xem xét DN có thực hiện chuẩn giá trần mà Cục hàng không quy định hay không.

Ảnh nh họa

PV: Việc tăng giá vốn dĩ là điều bình thường, thế nhưng giá vé tăng sẽ tác động tới đi lại của người dân thế nào?

PGS.TS Ngô Trí Long: Hiện nay chúng ta có 4 phương thức vận tải là hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Trong đó hàng không thường phục vụ đối tượng có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình khá trở lên, còn hàng không giá rẻ là cơ hội để người có thu nhập thấp được đi lại.

Nếu chúng ta thực hiện an sinh xã hội đối với vận tải hàng không thì là một thứ quá xa xỉ. Vì thế khi người dân có nhu cầu thì thiếu gì phương tiện khác như: đường thủy, đường sắt, đường bộ…nên cần xem xét hài hòa giữa DN với người tiêu dùng.

PV: Mới đây các hãng hàng không đã đề xuất bãi bỏ trần giá vé vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, quan điểm của ông thế nào về việc này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Hiệp hội Hàng không nêu ý kiến nên bỏ giá trần vé máy bay, với lập luận các nước trên thế giới họ không làm vậy, nhưng sự so sánh này là khập khiễng không đúng bản chất của vấn đề.

Vì theo cơ chế về định giá trong nền kinh tế thị trường dù bất kỳ quốc gia nào mà còn có những DN độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường, đặc biệt là thị trường hàng không nội địa thì buộc nhà nước phải quy định giá trần. Vị trí thống lĩnh thị trường là khi 1 DN chiếm khoảng 30% thị phần, 2 DN chiếm 50% thị phần, 3 DN chiếm 65% thị phần…đó là những DN giữ vị trí thống lĩnh.

Cho nên không thể so sánh với các nước, vì các đường bay nội địa của họ không còn DN giữ vị trí thống lĩnh nữa mà họ có sự cạnh tranh đầy đủ và hoàn hảo rồi. Vì thế tư duy so sánh khập khiễng như vậy là không chuẩn.

Ảnh nh họa

PV: Theo ông cơ chế điều chỉnh giá vé trong ngành hàng không cần phải thay đổi thế nào?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay việc quy định giá trần vé máy bay còn tồn tại nữa hay không phải xem xét các hãng có còn thống lĩnh thị trường nữa hay không, nếu còn thì chúng ta phải tiếp tục quy định giá trần.

Nhưng khi đã quy định giá trần thì phải tính toán chi phí làm sao cho phù hợp, sát với thực tế, sát với giá thị trường, đừng để DN bị lỗ.

Vấn đề thứ hai, nếu hiện nay giá nhiên liệu tăng cao hay các chi phí khác tăng cao thì buộc chúng ta phải xem xét lại giá trần, chứ không phải vì lý do đó mà lại bỏ đi giá trần. Bỏ giá trần khi thị trường không còn DN giữ vị trí thống lĩnh.

PV: Xin cảm ơn ông.