Giá trị của sự yên lặng trong chuyến đi

Một tính năng mới từ một dịch vụ gọi xe công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam đã khuấy đảo nhiều diễn đàn về giao thông. Đó là tính năng “Chuyến xe yên lặng”, khi khách hàng được quyền yêu cầu tài xế giữ yên tĩnh trong suốt chuyến đi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dù tính năng này không phải mới trên thế giới, nhưng việc lần đầu được áp dụng tại Việt Nam cũng tạo ra một cơ hội cho các bác tài và hành khách trên xe, gồm cả các hãng xe công nghệ và xe khách truyền thống, có suy nghĩ nghiêm túc về tôn trọng sở thích, sự riêng tư của người khác.

Bởi lẽ, ô nhiễm tiếng ồn đang thực sự là một vấn nạn khi tham gia giao thông.

Không hiếm thính giả cho biết, cảm thấy bị làm phiền khi nhận quá nhiều câu hỏi, lời bắt chuyện từ tài xế. Họ cũng không cảm thấy an tâm khi một số tài xế quá tập trung vào trao đổi điện thoại mà xao nhãng việc lái xe.

Ngay cả ở các tuyến xe cố định, rất nhiều hành khách đã phản ánh sự bức xúc khi bị tra tấn nhiều giờ đồng hồ liền bởi những bản nhạc xập xình, đinh tai nhức óc mà tài xế hoặc phụ xe bật; bất chấp thể loại và âm lượng có phù hợp với các đối tượng đa dạng trên xe, từ người già đến thanh niên và trẻ nhỏ, hay không. 

Ảnh nh họa

Nhìn rộng hơn, việc gây ra tiếng ồn, lấn át không gian yên tĩnh của người khác cũng xảy ra nhan nhản trên đường.

Đó có thể là một cửa hàng mới khai trương, muốn gây sự chú ý bằng cách… chĩa cặp loa công suất lớn đang phát những bản nhạc rex chát chúa ra ngã tư

. Đó cũng có thể là những tiếng còi xe, tiếng rú ga, tiếng gằn pô xe liên tục gây ức chế và sợ hãi cho người đi đường.

Sẽ có nhiều lý lẽ được đưa ra để biện hộ cho việc phá vỡ sự yên tĩnh, như tài xế cần trò chuyện để bớt buồn ngủ, hoặc có những tình thế bắt buộc cần trao đổi chứ không thể im lặng tuyệt đối suốt hành trình, mặc định coi lái xe như những con rô bốt. Tuy nhiên, đó là cách hiểu máy móc.

Thực tế, “chế độ im lặng” hay tính năng “chuyến xe yên tĩnh” nên được nhìn dưới ý nghĩa “tránh gây phiền hà cho người khác”.

Sự yên lặng không cản trở các hoạt động giao tiếp thông thường và cần thiết của xã hội. Giá trị của nó nằm ở việc áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, thể hiện thái độ lịch thiệp, tôn trọng người khác trong một không gian chung.

Người tài xế sẽ lấy lòng được hành khách khi hỏi ý kiến và xin phép trước khi mở đài radio hoặc một bản nhạc nào đó. Các cửa hàng sẽ nhận được ánh nhìn thiện cảm từ khách vãng lai khi chiến dịch quảng bá của họ không làm phiền đến lỗ tai của người đi đường.

Sẽ ít hơn những tranh cãi, va chạm không đáng có nếu mỗi người bớt lạm dụng còi xe đi.

Giao thông càng phát triển, có lẽ, chúng ta sẽ càng có nhu cầu nhiều hơn về những chuyến đi yên tĩnh.