Đường sắt hưởng lợi từ khủng hoảng vận tải biển

Ùn tắc container tại cảng và thiếu hụt container rỗng đang khiến ngành vận tải biển thế giới gặp rất nhiều khó khăn, đẩy giá cước vận chuyển hàng hóa lên cao ngất ngưởng. Trong bối cảnh này, vận chuyển bằng đường sắt nổi lên như một giải pháp thay thế hiệ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Một chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu khởi hành từ Trịnh Châu, Trung Quốc đến Helsinki, Phần Lan (Ảnh Tân Hoa Xã)

Cước phí rẻ, thời gian giao hàng ổn định, các tuyến đường sắt xuyên biên giới China Railway Express đang là ‘phao cứu sinh’ cho hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc, xuất khẩu từ đồ bảo hộ cá nhân cho tới linh kiện điện tử sang châu Âu.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, có hơn 7.300 chuyến tàu hàng chạy qua lại giữa Trung Quốc và châu Âu, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, riêng trong tháng 5 và tháng 6, số chuyến tàu hàng lập kỷ lục với hơn 1.300 chuyến mỗi tháng.

Không chỉ tăng về số lượng, phạm vi phân phối của đường sắt cũng liên tục mở rộng. Tới nay, Railway Express thiết lập được 73 tuyến vận tải, chở hàng triệu container hàng hóa, từ Trung Quốc tới 168 thành phố ở 23 quốc gia châu Âu. 

Ông Tommy Tan, Chủ tịch một doanh nghiệp ở Thượng Hải, đơn vị tham gia chuỗi cung ứng linh kiện cho hãng ô tô BMW nhận định, khi các phương thức vận tải khác gặp khủng hoảng, đường sắt đang trở thành phương tiện chính để vận chuyển hàng hóa: “Do tính ổn định cao của các đoàn tàu, ngay cả khi đại dịch lên tới đỉnh điểm, việc cung ứng phụ tùng cho BMW từ nhà máy ở Nuremberg, Đức đến nhà máy lắp ráp ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vẫn không bị gián đoạn. Hàng hóa được giao nhận hàng tuần và khách hàng của chúng tôi rất hài lòng” 

Ông Tan cho biết thêm, nếu đi bằng đường biển, hàng hóa sẽ phải tập kết tại một thành phố cảng của Trung Quốc. Doanh nghiệp sau đó lại phải chịu thêm chi phí bổ sung để vận chuyển tới Thành Đô. 

Đồng quan điểm trên, ông Bao, chủ một đại lý phân phối hàng hóa ở Chiết Giang chia sẻ, một chuyến tàu hàng từ Chiết Giang tới Hamburg, Đức chỉ mất 18 ngày, nhưng đi bằng đường biển phải mất 35 ngày hoặc hơn. Trong khi giá cước vận chuyển của hai phương thức gần như tương đương.

Một chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu rời Cảng Đường sắt Quốc tế Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc vào đầu tháng 7 - Ảnh: cnsphoto

Nhận thấy tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang coi đường sắt là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển. Vào tháng 1 năm nay, Tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng Midea lần đầu ra mắt chuyến tàu riêng để xuất khẩu ấm đun nước và máy rửa bát sang châu Âu. Được biết, tuyến đường sắt giúp Midea giảm thời gian vận chuyển hàng đến thủ đô Moscow, Nga xuống còn 15 ngày, chỉ bằng 1/3 so với đường biển.  

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc – châu Âu còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế vô hạn cho các tỉnh ền trung Trung Quốc. Một trong số đó là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Từ một ngôi làng nông nghiệp nhỏ, nhờ có tuyến đường sắt đi qua, Trịnh Châu nhanh chóng phát triển thành trung tâm sản xuất lớn. Hiện nay, nhiều thiết bị điện tử của Trung Quốc bắt đầu hành trình đến châu Âu đều xuất phát từ thành phố này.

Bà Feng Min, Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động tại Trịnh Châu cho biết: “Giao thông thuận lợi giúp việc xuất khẩu điện thoại của chúng tôi dễ dàng hơn, trung bình chỉ mất từ 2 đến 3 ngày. Trong khi đó, khách hàng của chúng tôi luôn đặt ưu tiên cao về thời gian giao hàng”.

Ngoài các sản phẩm điện tử cao cấp, những năm qua, các chủng loại mặt hàng từ Trung Quốc xuất sang châu Âu cũng ngày càng mở rộng như quần áo, ngũ cốc hay thậm chí cả rượu. 

Ông Shi Fenghua, phó Giám đốc cảng container đường sắt Trịnh Châu chia sẻ: “Năm 2013, mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu khứ hồi sang châu Âu. Giờ đây chúng tôi thực thực hiện 8 chuyến mỗi tuần”.

Tuy nhiên, Trịnh Châu không phải trung tâm duy nhất ở Trung Quốc có đường sắt đến châu Âu. Tới nay, hơn 20 thành phố khác đã bắt đầu có dịch vụ này. Ông Wang Ming, Giám đốc Viện Giao thông Toàn diện, thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc nhận định: “Tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối với châu Âu đang tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống toàn cầu hiện đại. Nó cũng góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng hơn về mọi mặt”.

Ngày 20/7 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy đoàn tàu hỏa chở container thẳng từ Hà Nội sang Bỉ, đánh dấu mở thêm tuyến vận tải vào sâu trong nội địa châu Âu.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn thì loại hình vận tải đường sắt là đối tác vận chuyển đáng tin cậy nhất để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu do hệ thống kết nối đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả.

Các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có tác động đến môi trường thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác như hàng không, đường biển.

Hiện nay, Công ty cổ phần Ratraco và Tập đoàn Maersk (Đan Mạch) đang xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 đoàn tàu chở container mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Chuyến tàu tiếp theo chạy từ Hà Nội vào ngày 27/7 và trong tháng 8/2021 cũng tổ chức các đoàn tàu chở container tới châu Âu.