Đường sắt cao tốc lợi hay hại với kinh tế Indonesia

Indonesia vừa cho chạy thử tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố Jakarta và Bandung. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của xứ vạn đảo.

Theo các chuyên gia, tuyến đường sắt có thể mang đến nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, với tổng vốn hơn 7 tỷ USD, những kỳ vọng có thể bị lấn át bởi gánh nặng nợ nần khi chi phí dự án tăng cao.

Đoàn tàu có tốc độ tối đa 350km/h (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ngày 6/9 vừa qua, Indonesia chạy thử một phần tuyến đường sắt cao tốc dài 142km, kết nối thủ đô Jakarta và thành phố du lịch nổi tiếng Bandung.

Đây là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, tổng mức đầu tư lên tới 7,3 tỷ USD, được xây dựng với phần lớn vốn vay, khoảng 4,5 tỷ USD, từ Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan đã đi trên chuyến tàu chạy thử từ ga Halim ở Jakarta tới thành phố Karawang. Quãng đường dài 40km mất khoảng 11 phút.

Chia sẻ với báo giới, ông Pandjaitan bày tỏ: “Tôi thấy Thủ tướng Lý Cường tỏ ra rất hài lòng khi tham gia sự kiện này. Đây là bằng chứng rõ ràng về sự hợp tác hiện đại, chất lượng cao giữa hai nước”.

Giới chức Indonesia cho biết, đến đầu tháng 10, tuyến đường sắt sẽ chính khai trương và vận hành thương mại. Tàu có thể đạt vận tốc nhanh nhất 350 km/h, giúp giảm thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3 tiếng hiện tại xuống còn khoảng 40 phút.

Mỗi đoàn tàu có 8 toa, trong đó có các khoang hạng thương gia, hạng nhất và hạng phổ thông, sức chứa tối đa hơn 600 hành khách. Trên tàu có nhà vệ sinh cho người khuyết tật, bảng hướng dẫn bằng chữ nổi dành cho người khiếm thị. Trong 4 ga trên toàn tuyến, nhà ga Halim ở Jakarta có quy mô lớn nhất, đủ chỗ cho 2.500 người đợi tàu.

Tham gia buổi chạy thử tàu cao tốc, một số người dân chia sẻ: “Đây là sự kiện rất đáng chú ý. Hầu hết mọi người trong gia đình và bạn bè tôi ở Jakarta đều nói đến sự kiện này”.

“Tôi rất mong đợi tới buổi lễ khai khai trương chính thức bởi tôi có rất nhiều bạn ở Jakarta. Tàu cao tốc sẽ giúp chúng tôi đi lại, gặp gỡ nhau nhanh chóng và thuận tiện hơn”.

Được biết, đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Kể từ khi nhậm chức, ông  Widodo luôn tìm cách thu hút các hợp đồng đầu tư cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt trên cao ở Jakarta, hay tàu điện ngầm do Nhật Bản tài trợ.

Ngay trong buổi chạy thử, Indonesia và Trung Quốc đã bàn bạc khả năng kéo dài tuyến đường sắt cao tốc lên 750km tới Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Pandjaitan cho biết thêm: “Tổng thống Joko Widodo đã đề nghị chúng tôi nghiên cứu để mở rộng tuyến đường sắt cao tốc tới Surabaya. Các đối tác Trung Quốc cũng bày tỏ sự hào hứng nếu được tham gia vào dự án này, bởi rõ ràng công nghệ họ đang sở hữu là một lợi thế”.

Còn theo Giáo sư kinh tế Arief Anshory Yusuf , tới từ Đại học Padjadjaran, Indonesia, tuyến đường sắt cao tốc sẽ giúp người lao động di chuyển thuận lợi giữa hai thành phố lớn, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Aditya Dwi Laksana, Chủ tịch Diễn đàn Giao thông đường bộ, đường sắt Indonesia bày tỏ: “Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc vận hành tàu cao tốc Jakarta – Bandung là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành đường sắt Indonesia. Điều đó có nghĩa đường sắt Indonesia đang bước vào kỷ nguyên công nghệ cao. Theo tôi, đó là thành tựu đáng kể và Indonesia cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á khai thác tàu hỏa cao tốc”

Đây là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, tổng mức đầu tư lên tới 7,3 tỷ USD - Ảnh kompas.id

Thực tế, dự án đường sắt cao tốc là một phần trong Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc, được cấp vốn bởi Liên doanh Kereta Cepat Indonesia China bao gồm các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và Trung Quốc.

Công trình khởi công vào năm 2015, dự kiến hoàn thành vào 2019, nhưng bị chậm tiến độ 4 năm bởi vướng mắc thu hồi đất, các vấn đề môi trường và đại dịch COVID-19. Dự án ban đầu được lên kế hoạch tiêu tốn khoảng 67 nghìn tỷ rupiah (tương đương 4,3 tỷ USD) nhưng tổng mức đầu tư sau đó vọt lên 113 nghìn tỷ rupiah (7,3 tỷ USD)

Theo các chuyên gia, chi phí vốn dự án leo thang có thể đẩy khoản nợ của chính phủ Indonesia tăng cao và làm lu mờ những lợi ích kinh tế ngắn hạn mà dự án mang lại. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Widodo đồng ý sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho tuyến đường sắt còn làm tăng chi tiêu công, vốn đã quá tải bởi các chi phí liên quan đến đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, có ý kiến lo ngại, Jakarta và Bandung có khoảng cách tương đối gần, chưa đầy 150km, nên đường sắt cao tốc có thể kém cạnh tranh hơn so với ô tô và các tuyến đường sắt khác. Điều này dẫn tới nguy cơ, các đoàn tàu có tỷ lệ lấp đầy thấp là rất thực tế và vấn đề cần được nhanh chóng giải quyết.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030.

Theo đó, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58 tỷ USD.