Đường cao tốc tạo ra điện tại Trung Quốc

VOVGT - Điều đặc biệt của tuyến cao tốc tại Chiết Giang (Trung Quốc) là có thể sản sinh ra năng lượng điện…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Điều đặc biệt của tuyến cao tốc tại Chiết Giang (Trung Quốc)là có thể sản sinh ra năng lượng điện

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vừa công bố kế hoạch xây dựng 161km cao tốc, nối hai thành phố Hàng Châu và Ninh Ba. Điều đặc biệt, tuyến cao tốc này có thể sản sinh ra năng lượng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, khi Hàng Châu đăng cai Á Vận hội lần thứ 19. 

Tuyến cao tốc khi hoàn thiện sẽ có 6 làn xe, 2 chiều đường và dài 161 km. Với giới hạn tốc độ 120 km/h, công trình được kỳ vọng giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố từ hai giờ xuống chỉ còn một giờ..

Tuy nhiên, điểm đặc biệt của tuyến cao tốc tại Chiết Giang không phải ở quy mô mà nằm ngay ở kết cấu mặt đường. Theo đó, toàn bộ bề mặt cao tốc sẽ được lắp đặt hệ thống pin năng lượng Mặt Trời.

Ông Ren Zhong, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Chiết Giang cho biết, đường cao tốc Hàng Châu - Ninh Ba còn có thể hỗ trợ xe tự lái trong tương lai. Tuyến đường cũng được lắp đặt các camera giám sát toàn diện và hệ thống cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông. Dự án khi hoàn thiện sẽ trở thành tuyến đường cao tốc xanh, an toàn và hiện đại của Trung Quốc.

Trước đó, cuối tháng 12/2017 vừa qua, Trung Quốc đã mở thử nghiệm 1km đường cao tốc hấp thu năng lượng Mặt Trời tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.

Lần đầu tiên được trải nghiệm trên tuyến cao tốc thông nh, một tài xế chia sẻ: “Tôi lái xe với tốc độ hơn 100 km/h mà không hề cảm thấy khác biệt gì so với khi đi trên cao tốc thông thường. Mặt đường êm nhưng vẫn có độ nhám cần thiết nên hệ thống phanh cũng hoạt động rất an toàn”.

Theo thiết kế, các tấm pin năng lượng Mặt Trời được đặt bên dưới mặt đường dát một chất liệu đặc biệt chịu được tải trọng lớn và trong suốt để ánh sáng chiếu xuyên qua. Nếu lắp đặt trên diện tích khoảng 6.000 m2 có thể tạo ra 1 triệu kwh điện mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày của khoảng 800 hộ gia đình. Những dự án này cũng sẽ giúp tiết kiệm không gian xây dựng các trại điện Mặt Trời và rút ngắn khoảng cách truyền tải điện.

Trước mắt trong quá trình thử nghiệm, nguồn điện tạo ra sẽ được sử dụng để thắp sáng đèn đường cao tốc, biển quảng cáo, đường hầm, cấp điện cho các camera giám sát và thiết bị gác chắn tại các chốt thu phí cầu đường. Lượng điện dư thừa sẽ được hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Trong tương lai, dự án trên sẽ được phát triển với nhiều công năng hơn, trong đó có việc cấp nguồn sạc di động cho các phương tiện chạy điện, kết nối Internet và làm nền tảng cho giao thông thông mình phát triển.

Bà Chan, một chuyên gia giao thông chia sẻ: “Cao tốc năng lượng mặt trời được tạo thành từ ba lớp. Trên cùng là bề mặt bảo vệ làm từ bê tông trong suốt, ở giữa là lớp pin năng lượng mặt trời tạo ra điện năng, dưới cùng là lớp cách điện và chống thấm".

Đến nay, chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì của dự án cao tốc Hàng Châu - Ninh Ba vẫn chưa được công bố. Nhưng những tuyến đường năng lượng mặt trời đầu tiên từng được xây dựng ở một số nước châu Âu như vùng Normandy, Pháp hay Krommenie của Hà Lan. Theo một báo cáo, chỉ 1km, con đường năng lượng tại Pháp tiêu tốn 5 triệu euro (khoảng 139 tỷ đồng) với 2800m2 tấm pin năng lượng mặt trời.

Theo các chuyên gia, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực tiễn cả về tính kinh tế lẫn kỹ thuật của tuyến cao tốc sản sinh ra năng lượng.

Tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải vừa được Quốc hội phê duyệt từ nay đến 2021 hoàn thành 2.000-2.500 km cao tốc. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 750 km cao tốc, nhưng trong quy hoạch dài hạn, chúng ta cần tới hơn 6.100 km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất lớn. Chính vì vậy, những tuyến cao tốc có khả năng sản sinh năng lượng sạch là vấn đề cần được các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá.