Đừng lấy cái sai để xử lý cái sai

Chắc hẳn hình ảnh những chiếc xe ô tô dừng đỗ không đúng nơi quy định, thậm chí đỗ chềnh ềnh trước cửa nhà dân hay cửa hàng trên phố... đã không còn xa lạ với người dân.

Thay vì tạt sơn, chọc thủng lốp, bẻ gương làm hỏng tài sản của người khác thì có thể khóa bánh tạm thời, yêu cầu chủ xe nộp phạt trong trường hợp giải quyết nội bộ. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Chuyện các chủ phương tiện đỗ xe sai quy định, chắn lối đi lại của các hộ gia đình, các cửa hàng tại Hà Nội không phải hiếm. 

Chắc hẳn với nhiều người, hình ảnh những chiếc xe ô tô dừng đỗ không đúng nơi quy định, thậm chí đỗ chềnh ềnh trước cửa nhà dân hay cửa hàng trên phố... đã không còn xa lạ với người dân Thủ đô.

Phản ứng với hành vi này, có người chọn cách liên lạc với chủ xe, yêu cầu dời xe đi nơi khác; có người thì chụp ảnh, quay video rồi đăng lên mạng xã hội cùng những dòng trạng thái bức xúc; thậm chí có trường hợp đổ sơn, keo, chất thải... lên chiếc xe đó, hoặc chọc thủng lốp, cào xước sơn, bẻ gương.

Mỗi cách phản ứng sẽ tạo ra kết quả khác nhau, tác dụng cũng không giống nhau. Nó thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta không thể lấy cái sai này để xử lý cái sai khác. Không thể vì sự bất bình trước việc bị người khác đỗ xe chắn hết lối ra vào mà được quyền phá hoại tài sản của họ.

Chiếc xe không có lỗi, lỗi là do người lái xe. Nếu như chúng ta không tiếc vài chục nghìn tiền gửi xe, không ngại phải đi bộ vài chục mét từ bãi đỗ, hoặc sử dụng phương tiện công cộng, hay gọn nhẹ hơn ô tô để di chuyển vào khu vực đông đúc, nhỏ hẹp, thì có lẽ những tình huống trớ trêu cho cả 2 phía sẽ không xảy ra.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đỗ xe bừa bãi, vô ý thức không được lên tiếng. Ban quản trị các khu chung cư và cư dân hoàn toàn có thể yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc xử phạt thông qua bằng chứng là hình ảnh, video ghi lại các phương tiện đậu đỗ sai phạm.

Thay vì tạt sơn, chọc thủng lốp, bẻ gương làm hỏng tài sản của người khác thì có thể khóa bánh tạm thời, yêu cầu chủ xe nộp phạt trong trường hợp giải quyết nội bộ. Quan trọng hơn cả, đó là công tác xử lý những trường hợp đỗ xe sai quy định của cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa, có như vậy những suy nghĩ kiểu như "đường có phải của nhà người ta đâu", hay "đỗ một lát đâu có sao" mới dần được xóa bỏ.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: