Những năm qua, tôi may mắn được trải nghiệm hầu hết các hành trình từ bờ ra đảo bằng tàu cao tốc. Những bông hoa biển trắng xoá không chỉ giúp tôi thêm yêu biển đảo quê hương mà còn khiến tôi nể phục vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, các hãng tàu cùng với quyết tâm rút ngắn khoảng cách đất liền với hải đảo của chính quyền các địa phương.
Gần đây, tôi được tham gia 1 hải trình hoàn toàn khác từ thành phố mang tên Bác đến vùng đất thiêng liêng - Côn Đảo. 5 giờ lênh đênh sóng nước trên con tàu lớn nhất, nhanh nhất, hiện đại nhất khiến tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là vì từ nay người dân từ TPHCM có thể đi tàu trực tiếp đến Côn Đảo, còn lo là vì con tàu khổng lồ hơn 1000 chỗ ngồi mà chỉ có chưa đầy 1/3 số chỗ được lấp đầy.
Và nỗi lo ấy trở nên hữu hình khi chủ tàu ra thông báo tạm dừng sau chưa đầy 2 tháng hoạt động. Tôi tin rằng cái thông báo ấy đã khiến không ít người từng ngồi trên boong tàu Thăng Long có phần tiếc nuối. Song với tôi, sự dừng lại này là “cần thiết”, bởi bất kỳ cái vỗ tay nào muốn tạo ra âm thanh phải đến từ 2 phía.
Trở lại với tuyến TPHCM – Côn Đảo, ngoài số vốn ban đầu hơn 200 tỷ đồng để đóng mới, thì chủ tàu còn phải trả chi phí cảng bến, hoa tiêu cao gấp 3 nơi khác; phải tổ chức xe trung chuyển khách từ trung tâm đến cảng và ngược lại; phải bị khách phàn nàn vì sao đã mua vé lại phải trả thêm phí ra vào cảng và chua xót hơn là nhìn tàu rẽ sóng ra khơi với tâm trạng “lỗ vẫn hoàn lỗ”.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu nhìn vào các cách mà các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang hay Cà Mau tạo điều kiện thực sự cho các doanh nghiệp vận tải thuỷ sẽ thấy việc mà TPHCM đang làm không khác gì “có tiếng mà không có ếng”.
Bởi nếu thực sự quyết tâm muốn đa dạng hoá các phương thức vận tải, khai thác hiệu quả giao thông đường thuỷ, khuyến khích phát triển kinh tế biển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề cập thì những việc như tạo điều kiện cảng bến, bố trí xe trung chuyển, khuyến khích hành khách hay ễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp…hoàn toàn trong tầm tay.
Một đồng nghiệp của tôi cho rằng, cái cách mà tuyến tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo đang hoạt động không khác gì tình trạng “công làm thủ phá” trong môn bóng đá, và việc tuyến này phải dừng hoạt động âu cũng là lẽ bình thường khi toàn bộ thiệt thòi đang dồn hết về 1 phía.
Vẫn còn nhiều cơ hội để các bên cùng ngồi lại với nhau, thảo luận, bàn bạc và đưa ra những giải pháp phù hợp để duy trì tuyến tàu cao tốc này bởi nó không chỉ là 1 phương thức vận tải đơn thuần mà còn là 1 sản phẩm đặc trưng của TP.HCM. Trong quá trình ấy, cần phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết đồng thời phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên, tránh tình trạng “bên thì được quá nhiều, người thì mất tất cả”.