Đưa hình phụ nữ lên đèn giao thông vì mục tiêu cân bằng giới

Vào tháng 8/2020, Mumbai- thành phố lớn nhất Ấn Độ quyết định tạo sự khác biệt khi lắp đặt các đèn giao thông có tín hiệu hình người mặc váy. Mumbai là thành phố đi tiên phong trong việc thay đổi đèn giao thông như vậy để thể hiện cân bằng giới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Sáng kiến đèn giao thông nâng cao ý thức về bình đẳng giới ở Mubai (Ấn Độ). Ảnh: newsable.asianetnews

Chính quyền thành phố Mumbai quyết định lắp đặt 240 đèn tín hiệu dành cho người đi bộ từ hình nam giới mặc quần quen thuộc thành hình nữ giới mặc váy để phù hợp với vấn đề bình đẳng giới hơn.

Ông Kiran Dighavkar, trợ lý ủy viên của Hội đồng thành phố Mumbai cho rằng hình ảnh người mặc váy nhằm mục đích khiến mọi người nhận thức được rằng lâu nay họ vẫn coi nam giới là mặc định: “Từ trước đến nay, dường như “người đàn ông” trở thành đại diện cho mọi thứ xung quanh chúng ta. Sự đổi mới này phản ánh suy nghĩ của thành phố... rằng thành phố tin tưởng vào bình đẳng giới và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Đây mới chỉ là bước khởi đầu”.

Những thay đổi mới này nằm trong dự án có tên Culture Spine do lãnh đạo du lịch và môi trường của bang Maharashtra là ông Aaditya Thackeray phát động.

Đề cập đến dự án mới này, Nhà quy hoạch đô thị Vijayshree Pednekar tại Mumbai cho rằng: “Điều quan trọng là đưa được thông điệp vào nơi dân cư bận rộn như tại Mumbai. Nhiều phụ nữ có thể không đi làm như nam giới nhưng họ vẫn sử dụng không gian công cộng cho những công việc gia đình như đón con. Phương tiện công cộng cần hỗ trợ điều này. Chúng ta cần thiết kế các thành phố theo hình thức có thể khuyến khích phụ nữ tại nơi công cộng”.

Theo các nhà vận động quyền phụ nữ, nếu một thế hệ trẻ em gái lớn lên nhìn thấy bóng dáng phụ nữ trên đèn tín hiệu giao thông, thì điều đó sẽ gửi đi một tín hiệu nhỏ nhưng mạnh mẽ rằng những nơi công cộng cũng thuộc về phụ nữ”.

Madhukar Pandey thuộc Sở cảnh sát Mumbai bày tỏ quan điểm: “Động thái này là một nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đây là hành động thể hiện sự tôn trọng của lực lượng cảnh sát giao thông Mumbai đối với nữ giới”.

Mumbai quyết định lắp đặt 240 đèn tín hiệu dành cho người đi bộ từ hình nam giới mặc quần quen thuộc thành hình nữ giới mặc váy để phù hợp với vấn đề bình đẳng giới hơn. Ảnh: NYTIMES

Trong khi đó, người dân cũng ca ngợi những chiếc đèn mới như một bước chuyển mang tính biểu tượng nhằm thay đổi nhận thức của công chúng, cũng như thách thức các chuẩn mực về giới và đòi hỏi quyền đại diện cho phụ nữ trong các hoạt động công cộng.

Một người dân cho biết: “Phụ nữ tại Ấn Độ vẫn luôn phải chịu nhiều thiệt thòi từ trước tới nay. Nhưng việc thay đổi kí hiệu của đèn giao thông cho thấy rằng xã hội đang dần thay đổi. Những người phụ nữ đang dần được xã hội công nhận, đó là một thay đổi rất lớn. Đây là một thay đổi tốt và nên làm. Nếu bạn nhìn xung quanh sẽ thấy phụ nữ đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề không chỉ tại Ấn Độ mà cả trên thế giới”.

Trước Mumbai, các thành phố khác trên thế giới cũng đã sử dụng đèn giao thông để thể hiện sự bình đẳng giới. Ở một số thành phố của Đức, các ngã tư đường phố từ lâu đã xuất hiện cả hình ảnh nam và nữ, trong khi thủ đô Vienna của Áo đã thêm hình các cặp đôi đồng tính vào đèn giao thông từ năm 2015.

Tháng 2 năm ngoái, thành phố Geneva của Thụy Sĩ thông báo rằng họ sẽ thay thế hình người nam cầm gậy bằng hình phụ nữ trên một nửa biển báo giao thông, bên cạnh một loạt các hình tượng đa dạng khác, bao gồm một phụ nữ mang thai, hai phụ nữ nắm tay và một phụ nữ afro.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng động thái thay đổi ký hiệu đèn giao thông là một dấu hiệu hời hợt sẽ không giúp gì nhiều để giải quyết các vấn đề cố hữu về bất bình đẳng giới ở Ấn Độ. Biểu tượng có sức mạnh nhưng cần kết hợp với hành động. Quyền lợi thực sự chỉ tồn tại khi luật pháp bảo vệ phẩm giá của phụ nữ.

Như trường hợp thành phố Melbourne (Úc) thêm hình ảnh phụ nữ vào bộ đèn giao thông vào năm 2017, một số người cho rằng không nhất thiết phải cho rằng hình người mặc quần dài là nam trong khi người mặc váy là nữ. Một số khác bày tỏ có nên chăng sử dụng số tiền để thay đổi thiết kế đèn có thể được chi tiêu vào các vấn đề khác để giải quyết bất bình đẳng giới theo những cách thiết thực hơn.

Còn tại Việt Nam, một nghiên cứu của Plan International Việt Nam thực hiện vào năm 2018 với hơn 1.000 người dân cho thấy, 74% người tham gia đã chứng kiến các hành vi quấy rối phụ nữ/em gái ở nơi công cộng. Hơn 40% người tham gia khảo sát cũng cho rằng, bến xe, ga tàu, nhà chờ xe buýt là nơi họ từng chứng kiến các hành vi quấy rối đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các chuyên gia cho rằng việc phát triển hệ thống vận tải khách công cộng tại các đô thị Việt Nam an toàn, thân thiện cho người dân, đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em gái là vô cùng quan trọng. Để làm được cần sự đồng hành của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp vận tải và trên hết là nâng cao ý thức về vấn đề bình đẳng giới của toàn xã hội.