Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Lấy ý kiến học sinh là khiên cưỡng, hình thức

Những ngày qua dư luận đang xôn xao về việc một trường học ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội tổ chức lấy ý kiến học sinh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây có phải là việc làm cần thiết hay mang tính hình thức? Quyền của trẻ em trong việc tham gia ý kiến đóng góp vào việc lập pháp thế nào?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

PV: Thưa bà, bà nhận định như thế nào về việc lấy ý kiến trẻ em về dự thảo Luật đất đai sửa đổi?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) rất quan trọng và Chính phủ đã yêu cầu lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên chúng ta lại lấy ý kiến học sinh, đặc biệt là học sinh cấp trung học cơ sở về dự thảo luật đất đai, thì tôi thấy là sự không hợp lý, khiên cưỡng.

Nói cách khác là tổ chức làm lấy được. Bởi vì Luật Đất đai là luật chuyên ngành. Theo thống kê của các chuyên gia thì Luật Đất đai có liên quan tới 141 luật và Bộ luật khác.

Đây là một bộ luật đồ sộ với rất nhiều nội dung chuyên ngành khó. Nếu lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng phải có những định hướng nhất định và về những vấn đề liên quan tới cuộc sống của nhân dân.

Tuy rằng, một Bộ luật ra đời thì phạm vi điều chỉnh rất rộng và có liên quan tới tất cả mọi người. Song theo tôi, với trẻ em ở bậc học cơ sở thì các em chưa đủ khả năng để các em có thể hiểu được quy định của Luật Đất đai để các em đóng góp ý kiến.

Việc tổ chức này mang tính hình thức nhiều hơn. Chứ nếu những dự thảo Luật liên quan trực tiếp tới các em, như Luật trẻ em chẳng hạn thì chúng ta có thể tổ chức để lấy ý kiến các em.

Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao dư luận. Ảnh: Người lao động

PV: Vậy quyền của trẻ em thế nào trong các trường hợp này thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga:  Chúng ta theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, chúng ta có Luật trẻ em, chúng ta cũng có nhiều Luật khác quy định về quyền trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em có quyền tham gia xây dựng pháp luật nhưng không phải yêu cầu các em trực tiếp cho ý kiến vào những dự án Luật rất đồ sộ và mang tính chất chuyên ngành sâu như thế này.

Vì chúng ta biết với vốn kiến thức, kinh nghiệm, khả năng của các em thì không thể đóng góp được ý kiến xác đáng cho dự luật như Luật đất đai. Những điều luật nào liên quan trực tiếp tới trẻ em mà chúng ta cần xin ý kiến trẻ em thì theo tôi, không nên để các em đóng góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo Luật mà có thể trưng cầu ý kiến các em về một vấn đề cụ thể thôi.

Chúng ta cũng có rất nhiều cách linh hoạt và hợp lý để chúng ta lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của trẻ em chứ không phải tổ chức một hội nghị Luật như thế

PV: Việc lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trẻ, học sinh thì làm thế nào để tránh hình thức, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cũng rất lo ngại việc khi chúng ta lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi nói riêng và các dự thảo Luật nói chung  mang tính hình thức. Nghĩa là chúng ta có tổ chức ra nhưng chất lượng cũng không cao. Việc đầu tiên là chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa. Thứ nhất là truyền thông về tầm quan trọng của dự thảo luật.

Thứ hai là truyền thông về các vấn đề liên quan thiết thực hơn tới từng tầng lớp nhân dân để những đối tượng đó người ta quan tâm và thấy được rằng mình cần có trách nhiệm có ý kiến đóng góp vào lĩnh vực này, nếu mình không đóng góp ý kiến thì rất có thể quyền lợi của mình sẽ bị ảnh hưởng. Công tác truyền thông phải luôn đi trước 1 bước.

Trong quá trình xin ý kiến cũng phải phân loại các nhóm đối tượng. Còn nếu như chỉ tung ra các nhóm đối tượng về một đề cương giống nhau thì tôi thấy là chưa hợp lý.

PV: Xin cảm ơn bà./.