Dự án cải tạo nâng cấp QL7, lỡ hẹn về đích do vướng mặt bằng

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội mới đây, cử tri Nghệ An bày tỏ lo ngại về tình trạng thi công chậm tiến độ tại một số dự án.

Trong đó, sau 1 năm rưỡi thi công dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn mới đạt 45% giá trị sản lượng, mục tiêu cán đích vào cuối năm nay rất khó khả thi, trong khi đó mùa mưa lũ năm nay đang đến rất gần.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thúc tiến độ dự án này? PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Vũ Hải Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ (Cục Đường bộ VN) xung quanh nội dung này.

 

PV: Mùa mưa lũ ở khu vực ền Trung đang đến rất gần, thế nhưng dự án cải tạo nâng cấp QL7 đang chậm tiến độ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Vũ Hải Tùng: Về dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn khởi công từ năm 2022, tuy nhiên đến nay khối lượng giải phóng mặt bằng mới được khoảng 70%, nhưng cũng chỉ mới có 80% trong số 70% mặt bằng này có thể thi công được. Bởi nhiều đoạn mặt bằng ngắn, không đủ công địa để thi công, nên việc triển khai thi công của nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên về phía Cục Đường bộ VN và Ban QLDA 4 đã chỉ đạo quyết liệt, trên các công địa, mặt bằng có thể thi công được các nhà thầu phải triển khai thi công, đến 31/7 cơ bản những vị trí có mặt bằng các nhà thầu đều đã triển khai thi công đến lớp bê tông nhựa.

QL7 qua Nghệ An thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ

PV: Như ông vừa cho biết mặt bằng là một nút thắt của dự án. Vậy những vướng mắc về mặt bằng của dự án này đã được tháo gỡ đến đâu và hiện còn những vướng mắc cụ thể nào?

Ông Vũ Hải Tùng: Các vướng mắc về mặt bằng của dự án QL7  ngay từ đầu triển khai đó là, triển khai song hành với các dự án cao tốc Bắc Nam nên lượng nhân sự của các địa phương phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này bị thiếu.

Tuy nhiên đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng cho cao tốc đã cơ bản hoàn thành, vì thế nhân sự của các địa phương đã được tập trung nhiều hơn cho dự án nâng cấp cải tạo QL7.

Vướng mắc nữa là về xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất, giấy giao đất trước đây không có tọa độ, cự ly rõ ràng nên việc xác định nguồn gốc đất đang là vướng mắc chính, Cục Đường bộ VN đang phối hợp với tỉnh Nghệ An để tháo gỡ vướng mắc này.

Về nguyên tắc công tác giải phóng mặt bằng là do địa phương thực hiện, tuy nhiên Ban QLDA 4, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đang phối hợp rất chặt chẽ với địa phương.

Thậm chí các cán bộ của Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ cũng thường xuyên xuống làm việc với từng hộ dân, cán bộ địa chính xã, huyện cũng như các lãnh đạo chủ chốt huyện và phòng TNMT huyện, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân và địa phương để tháo gỡ những vướng mắc kịp thời trong quá trình triển khai và cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

PV: Vậy cam kết của địa phương thế nào để có thể bàn giao nốt 30% mặt bằng còn lại cho nhà thầu thi công?

Ông Vũ Hải Tùng: Do giấy tờ gốc của người dân là từ phạm vi chân taluy, thế nhưng trên thực tế chân taluy đấy không còn nữa, người dân đã đắp lên ngang bằng với mặt đường rồi, nên việc khôi phục lại là vấn đề tương đối phức tạp.

Vì thế cần có một hội đồng đi xác định lại các hồ sơ cũ, rồi căn cứ thực tế hiện trường, các giấy tờ sổ sách để khôi phục lại ranh giới. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để thì có thể sẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Về phía Cục Đường bộ VN đã có kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An phương thức tháo gỡ vấn đề này, dự kiến trong tuần tới sẽ thành lập một hội đồng liên ngành để xác định lại các vị trí này. Và hiện UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo huyện Diễn Châu đến ngày 10/8 tới phải bàn giao mặt bằng đoạn kết nối từ cao tốc Bắc Nam xuống đến QL1, tức là từ Km0-Km5.

PV: Vậy công tác thi công trên công trường đã được chấn chỉnh thế nào, đặc biệt là với các nhà thầu chậm tiến độ?

Ông Vũ Hải Tùng: Các nhà thầu chậm tiến độ này thực chất so với hợp đồng thì không hẳn là chậm, bởi với điều kiện phải có đủ mặt bằng. Tuy nhiên về phía Ban QLDA và chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu lập lại tiến độ trên mặt bằng hiện có, đồng thời yêu cầu nhà thầu có kế hoạch phù hợp.

Trong quá trình triển khai có một số nhà thầu thực sự yếu, chậm tiến độ, Ban QLDA và Cục Đường bộ VN đã thường xuyên có văn bản nhắc nhở; còn một số nhà thầu yếu, chậm tiến độ đã bị điều chuyển khối lượng cho các nhà thầu có năng lực thi công tốt hơn để đẩy nhanh tiến độ dự án.  

PV: Xin cảm ơn ông!