Đốt vàng mã, làm sao để lưu giữ nét đẹp tâm linh?

Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng gần 5.800 tỷ đồng cũng theo đó mà hóa thành tro bụi. Việc đốt vàng mã thái quá, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn gây lãng phí tiền bạc mà còn mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Ảnh: Quang Hùng

Chẳng cứ riêng ở Hà Nội, tại Việt Nam cứ vào gần ngày cúng ông Công, ông Táo, ngày Tết hay rằm tháng 7 âm lịch là người dân lại có thói quen đốt vàng mã vì đây là những ngày lễ có ý nghĩa lớn trong lòng người dân. Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp lễ quan trọng đối với người Việt, vừa là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, vừa là lễ mở cửa ngục theo quan niệm của Phật giáo, hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân.

Trên mâm cỗ cúng Rằm, vàng mã là thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình, đây cũng là một phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam. Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất qua những xấp tiền vàng, nhà giấy, ô tô giấy, thậm chí là ivi, điện thoại, tủ lạnh… cũng được làm từ giấy với mẫu mã và kích thướng tương đương đồ thật.

Tất cả đều theo ngọn lửa để hóa theo thành tro bụi, đây cũng là cách mà nhiều người tin rằng, ở đâu đó tại thế giới bên kia, người đã khuất  sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ và thấy được lòng thành của người còn sống.

Ảnh nh hoạ

Khoảng 3 năm nay, gia đình chị Hạnh (trú tại Ba Đình) đã bỏ dần tục đốt vàng mã vào các lễ quan trọng trong năm. Theo chị Linh, việc đốt vàng mã ngày nay đang gây ra không ít hậu quả cho môi trường. Do sự thiếu hiểu biết, nhiều người đã biến tục đốt vàng mã thành thủ tục không thể thiếu trong mỗi dịp cúng, lễ gây lãng phí tiền của, khiến tục đốt vàng mã bị biến tướng và mất đi nét đẹp vốn có.

Chị Hạnh chia sẻ: “Với tôi việc đốt vàng mã là phong tục lưu truyền rất nhiều đời với mong muốn là người đã khuất cũng được no đủ. Tuy nhiên, khi ở thành thị và với xã hội hiện đại bây giờ việc hạn chế đốt vàng mã cũng là điều cần bàn đến. Nếu như đốt quá nhiều ở trong khu vực khu dân cư, khu chung cư không có không gian để đốt vàng mã, mà lại đốt với lượng nhiều đương nhiên sẽ gây ra khí độc và ảnh hưởng tới PCCC nhất là trong những tháng hè nóng nực.

Vì vậy, với gia đình tôi thì tôi sẽ ưu tiên sử dụng vàng mã một cách vừa phải để tỏ lòng thành chứ không sử dụng quá nhiều. Còn việc đốt vàng mã đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của mọi người. Với gia đình tôi khi đốt vàng mã xong thì tôi sẽ mang xuống dưới cổng chung cư để đổ hoặc là đợi nguội hoặc đổ trực tiếp vào bồn cây của nhà mình.”

Còn theo chị Trần Thanh Hương (trú tại Cầu Giấy) cho rằng, nếu trước đây, tục đốt vàng mã mang tính tượng trưng, mỗi gia đình chỉ cần vài xấp vàng mã cho đủ lễ, quan trọng là lòng thành của gia chủ. Thì nay nhiều người quan niệm, vàng mã càng nhiều, càng giá trị cao thì bản thân sẽ nhận lại được lợi ích tương ứng.

Do đó, tục đốt vàng mã là điều cần thiết, thế nhưng cũng cần phải dần thay đổi dần theo thời gian: “Đối với riêng mình, việc mua và bày lễ vàng mã là cần thiết nhưng cần được lựa chọn hợp lý vì nếu đốt vàng mã quá nhiều, không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Sau khi mà đốt vàng mã xong, thông thường theo quan niệm dân gian tro đốt vàng mã sẽ được để nguội sau đó được gói vào một tờ giấy màu đỏ hoặc túi nilon và được rải xuống sông, hồ, suối cho mát mẻ. Tuy nhiên, hiện nay vì tro đổ ra sông suối có thể làm ô nhiễm môi trường. Chính vì thế mà mình có thể sử dụng tro đốt vàng mã để bón vào các gốc cây trong vườn nhà để tận dụng làm phân bón, tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường sau này”.

Ảnh nh hoạ: Quang Hùng

Theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Chủ nhiệm đề tài nhà nước về thẩm định các khả năng đặc biệt, việc nhiều người lạm dụng đốt vàng mã như hiện nay là do chưa hiểu biết về phong tục cúng lễ của nước ta. Từ đó dẫn đến suy nghĩ sai lệch, tranh nhau "hối lộ" cõi âm, mặc cho việc hao phí tiền của, ô nhiễm môi trường và mất an toàn PCCC: “Nên cúng tiền thật, là tiền thanh tịnh, công sức mình làm ra chứ không phải tiền đi trộm cắp, tham nhũng gì cả. Phải có nơi khi cúng đồng tiền này rồi mang đi để làm việc thiện cho đời, hồi hướng công đức thì đồng tiền mới có ý nhĩa. Nếu đồng tiền bị cúng vào nơi mê tín dị đoan thì phần âm và phần trần cũng không có lợi. Không nên cúng đồ mã, quần áo mã, nếu có thì cũng nên cúng quần áo thật.

Ví dụ cúng cho liệt sĩ nên cúng quần áo thật sau đó mang đồ cúng đấy tặng cho hội cựu chiến binh, người lính, cho người già, trẻ em làm đồ thật thì tâm của mình cúng mới là thật. Quan trọng nhất khi cúng tháng y này là phải cúng cho người âm được an lành, siêu thoát”.

Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng (Ảnh nh họa)

Xin được nhắc lại 1 lần nữa, ước tính mỗi năm người Việt Nam đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương đương gần 5.800 tỷ đồng cũng theo những đông lửa to nhỏ rồi hóa thành tro bụi. Đây thực sự là số tiền rất lớn, nếu được dùng vào việc từ thiện, có ích cho xã hội thì sẽ giúp đỡ được hàng chục ngàn người dân vượt qua khó khăn. Thế nhưng, vì những hiểu biết còn hạn chế, vì tâm lý a dua, học đòi, nhiều người đã và đang làm sai, làm xấu đi tục lệ đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.

Để rồi thỉnh thoảng chúng ta lại thấy hình ảnh một người đốt vàng mã ngay trong cầu thang của khu tập thể cũ, vụ việc tử vong do ngạt khí sau khi hóa vàng, các vụ cháy nhà mà “thủ phạm” là những ngọn lửa từ vàng mã hay đơn giản là mặt nước sông hồ đen kịt bởi tàn tro vàng mã được người dân thả xuống…

Người xưa đã dạy “lễ bạc tâm thành”, vì vậy người cúng lễ chẳng cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mà chỉ cần thành tâm, hành thiện mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng của những ngày rằm tháng 7 và những những ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam./.