Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã được ghi nhận tại 1 số bộ môn, giải đấu, sân chơi phong trào khác trên cả nước gây ra nhiều lo lắng với người luyện tập thể dục thể thao. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Long – Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM về nội dung này.
PV: Xin chào bác sĩ, thời gian qua có có 1 số trường hợp được ghi nhận bị đột quỵ khi đang luyện tập thể thao, vì sao tình trạng này có xu hướng diễn ra nhiều hơn?
Bác sĩ Nguyễn Duy Long: Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao là có xảy ra, thường là do có các bệnh nền mà người dân không để ý ví dụ như các vấn đề về tim mạch mà thông thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi vận động gắng sức sẽ có những triệu chứng thậm chí là biến chứng dẫn đến hậu quả trở tay không kịp.
Hiện nay tình trạng tăng huyết áp, mỡ máu cao do việc ăn uống sinh hoạt chưa khoa học, thiếu lành mạnh là nguy cơ dẫn đến 1 số bệnh liên quan đến cấp cứu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim do tình trạng các mảng xơ vữa làm tắc mạch máu ở tim hay não, gây ra các dấu hiệu của đột quỵ. Việc này có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào cũng như bất kỳ hoàn cảnh nào
PV: Liệu có những dấu hiệu nào để người chơi thể thao có thể nhận biết trước các nguy cơ đó, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Duy Long: Cái này thực ra cũng có, nếu có cảm giác không được ổn thì nên nghỉ ngơi để xem như thế nào. Với dạng đột quỵ như tai biến mạch máu nào thì có tình trạng giảm thị lực, yếu liệt tay chân, khi đó nên chủ động ngừng chơi và nhờ các đồng đội hỗ trợ.
Có những trường hợp ngoài sân bóng đá người không nói gì, khi ra ngồi nghỉ thì mọi người cho rằng nghỉ ngơi bình thường đến khi quay lại ngưng tim ngưng thở từ khi nào không hay. Với các trường hợp này thì càng phát hiện sớm càng tốt, nên có cảnh báo với người chơi chung với mình có lưu tâm để phát hiện sớm hơn.
PV: Bác sĩ khuyến cáo như thế nào như thế nào với những người chơi thể thao để có sự chuẩn bị tốt cho sức khoẻ của mình khi tập luyện, thi đấu?
Bác sĩ Nguyễn Duy Long: Đầu tiên người chơi thể thao nên hiểu được tình trạng sức khoẻ của mình ví dụ với những người thường chơi thể thao sẽ khác với những người lâu lâu mới chơi vì trước giờ ít vận động nay bất ngờ vận động với cường độ cao ngay lập tức cũng không tốt. Cần kiểm tra sức khoẻ thường xuyên để theo dõi các bệnh lý về tim mạch hay các chỉ định của bác sĩ về giới hạn thể thao quá sức.
Đôi khi trong thể thao có các tình huống va chạm, chấn thương mà nguy hiểm nhất là đột quỵ cho nên việc sẵn sàng trong cộng đồng về sơ cấp cứu là rất cần thiết. Ở nước ngoài, việc người dân tham gia sơ cấp cứu là thường xuyên hơn ở Việt Nam, họ sẵn sàng các trang thiết bị dụng như như túi sơ cấp cứu cộng đồng hay máy sốc điện tự động được trang bị sẵn ở các khu công cộng. T
rong khi ở Việt Nam thì máy sốc điện tự động cũng như được khuyến cáo cho người dân sử dụng mà chỉ dành cho nhân viên y tế trong khi các tình huống cấp cứu nặng như ngưng tim ngưng thở thì sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, chờ xe cứu thương đến thì cần thời gian, trong khi đó không làm gì hết thì lại mất thời gian vàng của bệnh nhân.
Trong tương lai cũng nên quan tâm đầu tư cho sơ cấp cứu ban đầu và cộng đồng là những người tham gia hiệu quả nhất. Lực lượng cấp cứu ngoại viện sẽ sẵn sàng kết nối, tổng đài 115 có thể hướng dẫn sơ cấp cứu từ xa.
Với cá nhân người chơi thể thao, bất kỳ môn nào cũng cần lắng nghe cơ thể mình từ người chuyên nghiệp đến không chuyên. Đôi khi 1 lúc nào đó tưởng chừng chỉ là mệt hay cảm, cứ cho rằng mình còn khoẻ rồi ráng để dẫn đến sự việc đáng tiếc.
PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!