Đổi mới cách dạy giúp gieo một hạt giống hạnh phúc trong tâm trí trẻ thơ

Năm nay là năm 42 ngày giáo Việt Nam (20/11/1982 -20/11/2024), từng ấy năm là hành trình dài để ghi nhận, đóng góp của bao lớp nhà giáo “gieo chữ” “dạy người” biết bao thế hệ học sinh.

Cuộc sống hiện đại ngày nay vai trò người thầy vô cùng quan trọng, không chỉ quan tâm, chăm sóc, yêu thương học sinh bằng cả trái tim và sự bao dung, độ lượng;  mà còn cần đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực trong học sinh; hướng dẫn học sinh biết tự học, tự nghiên cứu, biết tìm tòi, để từ đó học sinh phát triển tư duy - trí tuệ, không ngừng hoàn thiện nhân cách. 

 

"Theo em trường học hạnh phúc là nơi mà các bạn học sinh và thầy cô chan hòa với nhau, nơi các bạn học sinh không có bạo lực học đường, yêu thương nhau, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui với nhau. Thầy cô thì thường xuyên mở những các lớp học thú vị, vui vẻ cho các bạn học sinh".

"Giáo viên chúng tôi có một mong muốn rất đơn giản sẽ gieo một hạt giống hạnh phúc, để trong tâm trí trẻ thơ sẽ nảy mầm. Một slogan rất quen thuộc và rất đổi ý nghĩa “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Ngày 18/11 vừa qua, ngành GD&ĐT TP.HCM vinh danh 14 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và 50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024. Đây là sự ghi nhận dành cho các thầy cô cả tuổi xuân, bền bỉ, kiên trì trong sự nghiệp trồng người của thành phố. Được biết, ngành giáo dục đang xây dựng điểm các mô hình trường học hạnh phúc, lấy học sinh làm trung tâm để nhân rộng, tiến đến có sự đổi mới trong dạy và học.

Tại trường THCS Gò Vấp, tiết học âm nhạc đã có sự thay đổi nhiều đã giúp học sinh thích thú nhiều hơn với môn học này.

Em Trương Tấn Sang, học sinh lớp 6/5 tỏ ra hào hứng khi tham gia lớp học nhạc tại trường: "Nếu tiết học ngày hôm nay chỉ học lý thuyết, không có những chiếc máy chiếu, không thấy những chiếc slide hay như vậy thì chúng em sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú với môn nhạc. Ngoài ra, tiết học thầy còn trang bị cho các em những cái phách, những bộ bộ gõ giúp cho chúng em trong tiết học thêm vui vẻ, hào hứng”.

Những chuyển biến tích cực từ quan điểm thầy và trò đến trường là phải vui, phải hạnh phúc là cả một sự đổi mới giáo dục trong cách dạy và học.

Thầy giáo Phạm Minh Nhật, dạy môn âm nhạc tại trường THCS Gò Vấp cho hay, trước kia là cựu học sinh trường nên trở về chốn cũ công tác là cả một vinh dự tự hào. Vì vậy, thầy luôn đổi mới, sáng tạo bài giảng bằng powerpoint sinh động, như chơi trò chơi tạo sự cạnh…để giúp học sinh tiếp thu tốt bộ môn. Để cả thầy và trò đều được cảm thấy hạnh phúc trong từng tiết học:

“Theo tôi một ngôi trường hạnh phúc đầu tiên là các thầy cô chúng tôi phải thật sự hạnh phúc. Khi chúng tôi bước vào trường chúng tôi phải mang một niềm hạnh phúc và một niềm tự hào rất là lớn, để từ chúng tôi sẽ lan tỏa cái niềm hạnh phúc đó đến với các em học sinh. Ngôi trường hạnh phúc ở đây là các em sẽ hạnh phúc theo từng giờ, từng phút, từng tiết học. Các em được trải nghiệm, được khám phá, thể hiện cái sự hào hứng của các em. Và khi các em bước đến trường đã có niềm vui, niềm hào hứng , khi các em bước ra khỏi trường thì cũng lưu luyến  niềm vui này”.

Ngành giáo dục đang xây dựng điểm các mô hình trường học hạnh phúc, lấy học sinh làm trung tâm để nhân rộng, tiến đến có sự đổi mới trong dạy và học.

Riêng cô Nguyễn Thị Kim Tiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1G Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3 đã có 7 năm gắn bó với nghiệp gõ đầu trẻ. Niềm hân hoan và động lực để cô gắn bó với nghề là mỗi ngày chứng kiến trẻ trưởng thành, rạng rỡ từng nét mặt và đặc biệt vẫn nhớ đến từng bài giảng của cô qua từng năm học dù sau này cô không còn chủ nhiệm các bé.

“Việc tạo cho các em sự hạnh phúc khi đến trường cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui bằng cách cho các em được tham gia những cái hoạt động ngoại khóa, những phòng học kỹ năng sống cũng như phòng thực hành, làm những sản phẩm hoặc các món ăn mà các em yêu thích, gần gũi với đời sống của mình. Từ đó giúp các em áp dụng những điều đã học đó vào trong cuộc sống hằng ngày cũng như ở nhà của mình”.

Bà Bùi Phương Bối, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3 cho rằng, để thầy cô và trò hạnh phúc nên rút ngắn khoảng cách thay vì kỉ luật hà khắc thì cần nêu gương, tuyên dương hành động tốt. Thầy cô cần được trẻ hóa để tiếp cận tâm sinh lý trẻ, làm bạn với trẻ, xóa nhòa khoảng cách cô và trò. Khi đó mới đạt được tiêu chí trường học hạnh phúc, cô và trò đến trường mỗi ngày đều “gieo niềm vui, gặt nụ cười”:

“Thầy cô được trẻ hóa nên việc thầy cô tiếp nhận và đón nhận các em sẽ dễ dàng hơn. Các thầy cô sẽ nắm bắt, hiểu được tâm sinh lý của các em qua những giờ học, những giờ vui chơi hoặc những giờ ăn, những giờ ngủ của các em. Từ đó, sẽ gắn kết thêm tình bạn giữa thầy và trò, những tình cảm giao lưu mật thiết giữa thầy và trò để giúp các em tự tin hơn. Nếu như có việc gì cần chia sẻ và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giúp cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được tâm sinh lý các em một cách tích cực nhất để có thể hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời”.

Đã từng có những giai đoạn giáo dục mặt nào đó được nhìn nhận là đang chạy đua với thành tích, điểm số và  đã khiến ít nhiều thầy cô, học trò và cả phụ huynh mỏi mệt. Những chuyển biến tích cực từ quan điểm thầy và trò đến trường là phải vui, phải hạnh phúc là cả một sự đổi mới giáo dục trong cách dạy và học. Nói như một cô giáo mong muốn rất đơn giản đến trường mỗi ngày sẽ gieo một hạt giống hạnh phúc để trong tâm trí trẻ thơ sẽ nảy mầm.