Đoạn giao cắt với đường tàu: Giao thông hỗn loạn, cần biển báo giới hạn tốc độ

Đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 14 km, qua các quận: 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. Để vào đến ga Sài Gòn (quận 3), mỗi chuyến tàu phải đi qua hàng chục nút giao cắt với đường bộ.

Tình trạng giao thông ùn ứ, hỗn loạn ở các điểm giao cắt này diễn ra như cơm bữa, nhưng chưa có giải pháp.

8 giờ 45 phút sáng, tại khu vực ngay ngã tư chùa Quang Minh, đường Trần Hữu Trang, phường 10, quận Phú Nhuận. Chợ đông đúc, người đi lại ngược xuôi, xe đạp đi, xe máy tiến, băng ngang qua đường ray tàu hoả, mặc dù đã có đèn và âm thanh cảnh báo một chuyến tàu sắp chạy qua.

Nút giao cắt với đường tàu ngay ngã tư chùa Quang Minh, đường Trần Hữu Trang

2 phút sau, tàu tới. Trong 30 giây vội vàng, người dân dừng lại xếp hàng dài đông đúc hoặc né vào hai bên đường Mai Văn Ngọc dọc theo đường ray. Vài phút sau, giao thông mới trở lại bình thường.

Đường Mai Văn Ngọc kéo dài từ đường Trần Hữu Trang đến Nguyễn Văn Trỗi, dài khoảng 160 mét. Điểm giao cắt với đường Trần Hữu Trang và Nguyễn Văn Trỗi thường xuyên trong tình trạng giao thông hỗn loạn.

Các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ không chỉ gây cản trở, ùn tắc giao thông khi tàu đi qua mà còn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Xe đạp đi, xe máy tiến....
Vài phút sau khi tàu đi qua giao thông mới trở lại bình thường. Ảnh chụp 05/8/2024

Ông Trần Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh trật tự khu phố 2, phường 11, quận Phú Nhuận chia sẻ: “Trên địa bàn phường 11 có những tuyến đường hẹp nên cũng hay xảy ra những va chạm nhỏ. Trên tuyến đường Mai Văn Ngọc, chúng tôi cũng yêu cầu người dân tham gia giao thông hạn chế tốc độ và phải nhìn trước ngó sau khi tham gia giao thông”.

Ông Nguyễn Quốc Cường, thành viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường 10, quận Phú Nhuận cảm thấy lo sợ khi mọi người lưu thông qua đoạn đình Phú Nhuận phóng nhanh, vượt ẩu và thậm chí là bấm còi xe inh ỏi, gây ô nhiễm tiếng ồn. Điểm giao cắt đường ray với đường Nguyễn Văn Trỗi là trục đường chính đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP nên lưu lượng phương tiện đông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.

Điểm giao cắt đường ray với đường Nguyễn Văn Trỗi là trục đường chính đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP nên lưu lượng phương tiện đông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.
Mới chỉ có biển báo cấm các loại xe 3 bánh và xe thô sơ 4 bánh, chưa có biển báo hạn chế tốc độ

Theo ông Cường, ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt rủi ro tại các đoạn giao cắt với đường tàu nhưng cũng cần phải có giải pháp quyết liệt hơn.

Ông Cường kiến nghị: “Việc người đi lại nhộn nhịp cho thấy tính hiệu quả của công trình hành lang an toàn đường ray xe lửa. Nhưng thật sự nguy hiểm, ví dụ như đoạn ngã tư ngay chùa Quang Minh cách đây 100 mét, họ phóng nhanh rất dễ xảy ra tai nạn.

Tôi đề nghị nên có biển hạn chế tốc độ ngay ngoài đường Nguyễn Văn Trỗi, thậm chí cấm theo giờ một số phương tiện chứ không thể phóng “bạt mạng”, như thế rất nguy hiểm. Đặc biệt ngã tư Nguyễn Văn Trỗi giao với đường sắt thì phải có biện pháp không cho phương tiện hoặc người đi bộ băng qua”.

Đường hẹp mà cứ tranh nhau đi...

Người dân đi qua số nhà 18 Mai Văn Ngọc, hẳn đã quen với hình ảnh hàng trăm chậu cây màu hồng của ông Phan Văn Chánh được treo dọc hành lang an toàn đường sắt. Việc làm này của ông góp phần làm đẹp mĩ quan, đồng thời hạn chế người dân xả rác bừa bãi hoặc treo quần áo lên hàng lang này. Ông cũng ngụ ý vui rằng, vì màu hồng đặc trưng đấy, những ai lưu thông qua đây cũng sẽ để ý và đi chậm lại một chút.

Thế nhưng, ông Chánh cho hay, vì trên con đường này mật độ giao thông đông đúc ở tất cả các khung giờ chứ không riêng gì giờ cao điểm, nên ông phải thức dậy từ 3 giờ sáng để chăm sóc và tưới cây:

“Đường này nguy hiểm lắm. Mỗi ngày luôn, từ 6 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya, khủng khiếp lắm, chạy với tốc độ nhanh lắm. Tới 5 giờ sáng là chịu không tưới cây được đâu. Bạn đứng đây từ nãy giờ có thấy không? Nếu chính quyền địa phương có bảng cảnh báo Đây là khu vực đông dân cư, hay lưu ý có trẻ em... để người ta đi hạn chế bớt thì may ra khắc phục được tình trạng này. Đường thì hẹp mà tranh nhau đi. Đặc biệt trong hẻm nhỏ phóng ra thì dữ dằn lắm”.

Việc lắp đặt các camera cũng giúp phường 11, quận Phú Nhuận giám sát tình hình giao thông tại nút giao cắt với đường ray tàu hoả

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận nhận định, giải pháp giúp giảm xung đột giữa giao thông đường sắt và đường bộ còn nhiều thách thức, nên địa phương cũng đưa ra các giải pháp tạm thời: “Chính quyền địa phương đã gắn biển báo cấm ô tô đi từ tuyến đường bên phường 11 qua bên chợ và có biển báo giao nhau với đường sắt. Đồng thời cũng cắt cử một chị trước đây là tổ trưởng tổ dân phố, khi tàu đến thì quan sát và báo cho người dân và nhắc nhở những trường hợp cố tình chen lấn hay chạy qua khi tàu sắp tới để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân".

Tại các điểm giao cắt giữa đường Lê Văn Sỹ hay Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) với đường ray tàu hoả cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Một số chuyên gia phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ, hỗn loạn giao thông ở những điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ là do việc bố trí giao thông tại các điểm này chưa phù hợp.