'Độ' xe có vi phạm quy định không?

Vụ lùm xùm giữa Vinfast và anh Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube GogoTV đang là chủ đề nóng được nhiều người tranh luận trong thời gian gần đây. Xung quanh vụ việc, có một vài ý kiến cho rằng anh Hoàng đã tự ý điều chỉnh thiết kế của xe, hay còn gọi là độ

Việc độ xe vốn đã là hành vi bị cấm không chỉ ở Việt Nam, mà còn tại nhiều quốc gia khác. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Xung quanh việc hãng xe VinFast yêu cầu làm rõ hành vi thông tin sai sự thật của anh Trần Văn Hoàng, chủ kênh YouTube Gogo TV, đã có nhiều luồng ý kiến với những quan điểm khác nhau, như việc có đúng là anh Hoàng đã đem chiếc xe đi sửa 10 lần, tính chuyên nghiệp của các đại lý Vinfast với khách hàng, v.v… hay một số ý kiến cho rằng chiếc A2.0 Lux của anh Hoàng đã được “độ”. 

Tuy nhiên, trong một buổi trả lời báo chí, anh Hoàng đã phủ nhận đồn đoán của một số người cho rằng vì độ xe và phản ánh sai nên sợ phải gỡ bỏ clip.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Thế Dũng, nguyên phó hiệu trưởng trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, cho rằng đến nay vẫn chưa có bất kỳ chứng cứ nào chứng tỏ việc anh Hoàng đã độ xe; điều này phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng:

“Trước khi Vinfast có câu trả lời vào ngày 6/5 thì có nhiều ý kiến cho rằng anh Hoàng đã độ xe. Nhưng thực tế cho thấy là đại diện Vinfast trả lời là không có độ xe, không có chi tiết đó”.

Độ xe, dùng thiết bị không đúng qui chuẩn của nhà sản xuất có thể gây nguy cơ cháy, nổ cao. Ảnh nh họa

Tạm gác lại câu chuyện đúng sai giữa Vinfast và GogoTV, thì việc độ xe vốn là hành vi bị cấm. Không chỉ tại Việt Nam, mà nhiều nước khác, trong đó Singapore cũng có các quy định tương tự. Mới đây, theo đài CNA, một chủ cửa hàng sửa xe đã phải hầu tòa vì hành vi độ xe. 

Cụ thể, người này đã 3 lần thay thế hệ thống xả của 2 chiếc ô tô bằng một hệ thống khác chưa được cấp phép, lần lượt vào tháng 6, tháng 9 năm 2019 và tháng 3 năm nay. Hành vi tự ý thay đổi kết cấu phương tiện tại Singapore có thể bị phạt lên tới 5 nghìn đô-la Singapore (tức gần 87 triệu đồng VN) và 3 tháng tù giam, tăng gấp đôi với người tái phạm.

Trong những năm gần đây, Singapore nỗ lực thắt chặt, tăng cường xử phạt hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe. Theo Cơ quan giao thông đường bộ Singapore, vào năm 2015, có khoảng 1.800 trường hợp vi phạm thay đổi kết cấu phương tiện mỗi tháng, giảm còn 550 trường hợp mỗi tháng vào năm 2020.  

Hiện trường vụ tai nạn tại Panjong Tagar, Singapore hồi đầu tháng 3

Dù số trường hợp vi phạm giảm, nhưng mối nguy tiềm ẩn tai nạn giao thông thì vẫn còn đó. Vào đầu tháng 3 vừa qua xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khi một chiếc xe BMW chạy quá tốc độ và đâm vào một cửa hàng bên đường. Hậu quả là chiếc xe phát nổ, khiến toàn bộ 5 người trong xe thiệt mạng. 

Điều tra vụ việc, cho thấy cửa hàng chỉ bị hư hại nhẹ, chứng tỏ cú đâm không quá nghiêm trọng nhưng chiếc xe vẫn phát nổ rất nhanh sau đó. Ông Christopher Tan, phóng viên chuyên về mảng giao thông của tờ The Strait Times cho biết, có khả năng chiếc xe gặp nạn đã được “độ”:

“Bất kỳ sự thay đổi kết cấu nào cũng sẽ ảnh hưởng tới tính an toàn của chiếc xe. Không như những bộ phim Hollywood, một chiếc xe kể cả khi gặp tai nạn nghiêm trọng cũng rất khó để phát nổ, kể cả khi bình xăng chiếc xe có bị vỡ. Hầu hết các vụ xe bốc cháy, phát nổ đều là do chập điện. Đây là điểm mà các nhà điều tra cần chú ý”.

Dù vụ việc hiện đang được điều tra, thông tin chiếc xe có được độ hay không hiện chưa có câu trả lời, nhưng chính phủ Singapore cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt việc quản lý, xử phạt các trường hợp độ xe. Theo bà Amy Khor, Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore, không chỉ chủ phương tiện mà cả các cơ sở, đại lý, gara xe tiếp tay cho việc tự ý thay đổi kết cấu phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu ý thức, thiếu hợp tác từ một bộ phận chủ phương tiện:

“Việc xử phạt các đại lý, gara ô tô vẫn còn gặp khó. Để xác định một gara có vi phạm hay không, chúng tôi cần có sự tố giác, khai báo trung thực từ các chủ xe. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ xe vẫn tỏ thái độ thiếu hợp tác. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải tìm một vài giải pháp khác cho vấn đề này”.

Còn tại Việt Nam, việc tự ý thay đổi hiện trạng kết cấu xe sẽ bị xử phạt 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Không chỉ vi phạm luật lệ, quy định, việc tự ý độ xe còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Độ còi, độ bô xe, độ âm thanh, bodykit v.v… để đổi lấy những trải nghiệm mà chủ xe cho rằng đó là “chất chơi”, “cool ngầu”, hay đơn giản vì sở thích. Nhưng những sở thích đó tiềm ẩn những mối nguy không chỉ với chủ xe, mà cả người thân và những người xung quanh. Vậy có đáng để đánh đổi tính mạng chỉ vì sở thích? Câu hỏi này nên tự chính mỗi chúng ta trả lời.