Đo nồng độ cồn rồi mới được lái xe

VOVGT - Hiện nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã đưa vào sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn như biện pháp bắt buộc nếu muốn lái xe.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Vào buổi tối ngày 15/6/2013 tại hạt Johnson, bang Texas, Mỹ, Ethan Couch, 16 tuổi cùng 7 người bạn khác lái chiếc xe Ford F-350 sau khi sử dụng rượu bia tại một bữa tiệc trước đó.

Ethan đã không điều khiển được tay lái và đâm vào một nhóm người đang sửa xe bên vỉa hè, sau đó tiếp tục va chạm với một chiếc xe khác chạy hướng ngược lại, trước khi đâm vào một gốc cây bên đường.

Hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 4 người tử vong, 11 người bị thương, trong đó bao gồm 2 người bạn ngồi cùng xe của Ethan. Vào thời điểm đó, vụ việc gây ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Cuối cùng, Ethan Couch nhận án phạt buộc phải cai nghiện rượu tại bệnh viện.

Tuy nhiên, đến năm 2016, Ethan tiếp tục nhận thêm án phạt 2 năm tù giam. Sau khi được thả tự do vào tháng 4 năm 2018 vừa rồi, Ethan bị cảnh sát giám sát bằng thiết bị theo dõi gắn trên người. Đồng thời, Ethan buộc phải sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn trước khi lái xe.

Phương thức và thiết bị đo nồng độ cồn quen thuộc tại Việt Nam. Ảnh: Zing

Tại Việt Nam, chúng ta vẫn quen với thiết bị đo nồng độ cồn mà lực lượng CSGT vẫn thường sử dụng mỗi khi kiểm tra. Tuy nhiên, trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, từ năm 1993, trên toàn 50 bang nước này, thiết bị đo nồng độ cồn đã bắt buộc phải gắn trên phương tiện cá nhân với những người có tiền án lái xe say rượu bia.

Phương thức hoạt động của thiết bị tương tự như chúng ta đã biết. Người được kiểm tra sẽ thổi hơi vào thiết bị để đo nồng độ cồn trong khoảng 5 giây. Chỉ khác một chút là thiết bị này được gắn liền với chính chiếc ô tô. Nếu nồng độ cồn trong mức cho phép, người dùng sẽ được phép khởi động xe. Và ngược lại, nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, chiếc xe sẽ không được phép khởi động.

Ông Christopher Morris, điều phối viên của Chương trình hành động lái xe an toàn bang Virginia cho biết:

 

“Trong 10 năm qua, thiết bị đo nồng độ cồn đã giúp ngăn chặn khoảng 2,3 triệu tài xế khỏi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Cứ mỗi một trường hợp ngăn chặn được là chúng ta đã góp phần giảm bớt đi 1 vụ tai nạn, thậm chí là chết người hay thiệt hại nghiêm trọng”.

Theo thống kê, chỉ riêng bang Virginia, từ năm 2012 tới năm 2017 cho thấy, có tới 67% trường hợp sau khi buộc phải gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên xe đã không còn tái phạm. Còn theo tạp chí Y học dự phòng của Mỹ, điều luật bắt buộc người lái xe say rượu bia phải gắn thiết bị này trên xe đã góp phần giảm 7% số vụ tai nạn chết người liên quan tới rượu bia.

Nhiều nước từ lâu đã cho gắn thiết bị đo nồng độ cồn ngay trên ô tô cá nhân. Ảnh nh họa

Tuy nhiên, nhiều người tìm cách qua mặt thiết bị bằng cách nhờ người khác không uống rượu bia đo nồng độ cồn thay và họ vẫn có thể lái xe như bình thường. Tại một số bang như Ohio và Virginia, vấn đề này được giải quyết bằng việc thiết bị đo nồng độ cồn được nối cùng với một chiếc camera. Khi thiết bị được sử dụng, camera sẽ lập tức ghi lại thời điểm đó để xác nh ai là người sử dụng.

Một chuyên gia giao thông tại bang Ohio cho biết:

 

“Ngày trước, tôi đã từng gặp trường hợp một chiếc xe có gắn thiết bị đo nồng độ cồn. Nhưng khi tài xế bước ra khỏi xe, trên tay anh ta là một lon bia đang uống dở. Nhưng giờ thiết bị gắn với camera, chúng ta có thể nhận biết được chính xác ai là người đã sử dụng thiết bị đó.”

Dù còn hạn chế nhưng cách thức này đã phần nào giảm được tỷ lệ người lái xe khi say rượu bia

Đó không chỉ là khó khăn duy nhất, một số khác còn cố gắng chỉnh sửa, thậm chí vô hiệu hóa thiết bị đo. Khi gõ một vài từ khóa đơn giản trên Internet, không khó để tìm ra những đoạn băng hướng dẫn cách “đánh lừa” thiết bị đo nồng độ cồn.

Và đó là lí do khiến một số người có trách nhiệm, không tin dùng thiết bị này khi xét xử, điều tra lái xe say rượu bia.

Một thẩm phán cho biết:

 

“Tôi nghĩ thiết bị này cần thêm một vài điều chỉnh nữa. Hiện có nhiều thiết bị tương tự nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Như thiết bị gắn ở cổ tay lái xe để đo trực tiếp nồng độ cồn của họ chẳng hạn”.

Có thể thấy, ý tưởng gắn thiết bị đo nồng độ cồn trên phương tiện cá nhân là một ý tưởng không hề tồi. Những thiết bị này phần nào đã giúp kéo giảm số vụ tai nạn, cũng như cải thiện ý thức của người lái xe. Tuy vậy, thiết bị này vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế.

Còn tại Việt Nam, bên cạnh ô tô, phần đông người dân hiện vẫn sử dụng xe máy. Do đó, sẽ khó có thể áp dụng ý tưởng vừa nêu. Vì vậy, việc giáo dục ý thức người lái xe vẫn là ưu tiên hàng đầu. Hãy nhớ, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.